Friday, June 27, 2014

Thiếu Tá Nguyễn Văn Sơn



Chuyện một người Chiến binh trong cuộc chiến Bắc Nam: Thiếu Tá Nguyễn Văn Sơn

nhân đánh dấu 35 năm ngày 30-4-1975
Thiếu Tá Nguyễn Văn Sơn là bạn tù của tôi ở trại Lam Sơn, một Trung tâm Huấn luyện của quân đội VNCH tại Dục Mỹ, quận Ninh Hòa, được bộ đội miền Bắc chiến thắng trong cuộc chiến tranh Bắc Nam 1955-1975 tạm thiết lập làm trại tù.
Anh Sơn, nguyên thiếu tá lực lượng Lôi Hổ. Thời gian anh Sơn và tôi ở tù chung một trại không dài nhưng anh đã để lại cho tôi một ấn tượng khó quên. Một mẫu người có phong cách kỳ lạ.
Hình ảnh và tiếng kêu của anh Sơn vẫn còn văng vẵng bên tai tôi suốt 35 năm qua sau ngày chúng tôi chia tay nhau.
Anh được chuyển ra khỏi trại Lam Sơn để bước vào vòng thứ nhì của hệ thống địa ngục lao tù cộng sản. Khi chiếc xe GMC chở tù chuyển trại chạy qua khu trại tôi vào một ngày nóng bức cuối tháng 7 năm 1975 anh Sơn kêu to để báo cho tôi biết anh rời trại. Tôi chỉ kịp nhìn thấy chiếc xe tù chạy qua, cánh tay anh Sơn đưa cao vẫy. Tôi vẫy lại. Rồi biệt vô âm tín.
Thế mà đã ba mươi lăm năm!
Cuối tháng 3 năm 1975 sau khi bộ đội cộng sản vào thành phố Nha Trang tôi bị kẹt lại. Tháng 6 đang đêm công an đến nhà bắt tôi về tội không ra trình diện.
Thật ra tôi có trình diện, nhưng trễ. Biết mình đã nằm trong rọ, tôi cẩn thận theo dõi các thông cáo của Ủy ban quân quản (cơ cấu chính quyền mới ngay sau khi chiếm thị xã Nha Trang) về việc trình diện. Lúc đó tôi là dân biểu thị xã Nha Trang. Gốc sĩ qan Hải quân, nhưng tôi đã giải ngũ từ năm 1971 và không có chân trong bất cứ một đảng chính trị nào tôi đặt mình vào diện “dân cử” và chờ gọi dân cử ra trình diện để thi hành. Không thấy có thông cáo nào gọi dân cử, tôi nằm nhà chờ. Tuy nhiên vì thận trọng, một thời gian sau tôi ra phường Lộc Thọ trình diện. Lấy cớ không ra trình diện công an thị xã ra lệnh bắt.
Đang đêm đại úy công an Nguyễn Văn Linh (trùng tên với ông Tổng bí thư đảng cộng sản sau 1986) trưởng ty công an Nha Trang dùng xe Jeep  dẫn một đoàn du kích đến bắt tôi. Khi đại úy Linh giải thích lý do, tôi trình giấy trình diện. Đại úy Linh hơi lúng túng. Nhưng đoán biết công an đã quyết định bắt tôi, trình diện hay không chỉ là cái cớ, tôi nói sẵn sàng về đồn để cơ quan an ninh làm những thủ tục cần thiết. Cảm thấy thoải mái đại úy Linh bảo tôi mang đồ lề cá nhân lên xe công an đậu chờ xế cổng nhà. Tôi ngồi băng sau không bị còng tay, bên cạnh là một anh công an mang súng dài. Đại úy Linh ngồi băng trước, súng lục ngang hông với tài xế. Đoàn du kích bao vây quanh nhà tản mác vào đêm tối.
Công an đưa tôi về ty công an thị xã Nha Trang đóng nơi nhà ông giám đốc chi nhánh Nha Trang của Ngân hàng Việt Nam Thương Tín nằm trên đường Duy Tân chạy dọc theo bờ biển Nha Trang. Từ đó công an chuyển tôi lên trại Lam Sơn. Tại đây tôi ở chung trong một trại nhỏ, giống như một căn nhà với Thiếu Tá Nguyễn Văn Sơn. Trong tổng trại Lam Sơn có hằng mấy trăm căn nhà như vậy.
Từ trại Lam Sơn đang đêm tôi cùng một số tù nhân khác được chuyển về nhà tù Chợ Đầm của tỉnh Khánh Hòa. Sau vài tuần lễ được chuyển về giam tại trại giam tù chính trị cũ (của VNCH) xây phía sau Trung Tâm Huấn Luyện Công chức, cũng nằm trên đường  Duy Tân. Hai ngày đầu tôi bị nhốt vào xà lim trước khi chuyển qua nhốt chung với hơn 80 anh em tù nhân trong một căn phòng chỉ có khả năng chứa khoảng 30 người nằm ngồi. Tại đây tôi gặp ông Khác Chánh Văn Phòng của đại tá Lý Bá Phẩm, tỉnh trưởng Khánh Hòa kiêm thị trưởng thị xã Nha Trang và ông Nghi, trưởng ty hành chánh Thị Xã Nha Trang. Qua hai ông Khác và Nghi tôi được biết đại tá Phẩm cũng đang bị giam riêng trong trại để điều tra cùng với Thiếu Tá bác sĩ Dù Trần Đoàn.

Trại cải tạo (hình có tính minh họa)
Từ trung tâm này tôi được chuyển lên trại Đồng Găng trong rừng sâu của tỉnh Khánh Hòa. Tôi được trả tự do từ trại Đồng Găng.
Trở lại chuyện Thiếu Tá Sơn. Tôi không quen biết Thiếu Tá Sơn trước khi đến trại Lam Sơn. Chúng tôi chỉ ở chung nhà với nhau vài tuần lễ trước khi tôi  được chuyển qua nhà khác và sau đó Sơn được chuyển ra khỏi trại Lam Sơn.
Chỉ mấy tuần thôi, chúng tôi quen nhau, thân nhau, tin cậy nhau. Câu chuyện tôi thuật lại ở đây hoặc do Thiếu Tá Sơn kể lại hoặc xẩy ra trong mấy tuần lễ ngắn ngủi đó.
Trước ngày 31/3/1975 (ngày quân đội cộng sản chiếm tỉnh Khánh Hòa) trại Lam sơn là một Trung Tâm Huấn Luyện cấp sư đoàn của quân đoàn 2 có khả chứa hàng ngàn tân  binh hoặc binh sĩ về tái huấn luyện. Các binh sĩ này tạm trú trong những mái nhà tranh đơn sơ dựng cạnh nhau có phên che gió và giường ngủ chồng lên nhau. Lực lượng  cộng sản quản lý trại dùng các căn nhà này sau khi đã tháo phên che và giường chồng bên trong (để dễ kiểm sóat) gọi là “Nhà”, Nhà số 1, Nhà số 2 v.v… để cho các cựu sĩ quan và công chức miền Nam vừa bại trận trú ngụ trong thời gian học tập. Sĩ quan ở riêng. Công chức ở riêng.
Nhà số 10 dành cho một trung đội Dù bị bắt tại đèo Phượng Hoàng thuộc quận Khánh Dương trên quốc lộ nối liền Ban Mê Thuột với Nha Trang qua quận lỵ Ninh Hòa. Đặc biệt nhà số 10 sĩ quan ít mà nhiều lính Dù. Trung đội Dù này đã quần thảo với quân chính quy Bắc Việt trên đèo Phượng Hoàng cho đến phút chót. Trong nhà 10 chỉ có một Trung úy và một Thiếu úy Dù, còn lại là hạ sĩ quan và binh sĩ, và một sĩ quan Lôi Hổ: Thiếu Tá Nguyễn Văn Sơn.
Tôi bị bắt trễ nên khi lên Lam Sơn các dãy nhà đều đầy người, họ nhét tôi vào nhà 10. Tôi nhận thấy hai người sĩ quan Dù rất bình thản và các người lính Dù có vẻ thoải mái như đang được nghỉ ngơi sau các cuộc hành quân. Họ giúp các sĩ quan đào giếng lấy nước, trồng cà chua, ớt, bầu bí v.v… nơi đám đất  bỏ hoang trước nhà. Thiếu Tá Sơn suốt ngày hút thuốc và kể chuyện tiếu lâm.
Thời biểu chính của tù nhân là hằng ngày lên lớp nghe cán bộ giảng 9 bài căn bản. Tôi còn nhớ một số đề tài như “Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân”, “Chiến tranh giới hạn” … và học những bài hát  “cách mạng” như “Tiếng chày trên sóc Mambo”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Giải Phóng Miền Nam”, “Chiến thắng Điện Biên”…
Tôi không hiểu làm sao và lúc nào tôi và Thiếu Tá Sơn trở nên thân nhau. Hình như Lôi Hổ và Dù không có gạch nối nên hai sĩ quan Dù ít nói chuyện với Thiếu Tá Sơn. Lính Dù thì vẫn giữ khoảng cách với sĩ quan. Có lẽ còn do tính tình. Hai sĩ quan Dù ít nói, trong khi Thiếu Tá Sơn sống để ruột ngoài da. Anh Sơn không quan tâm đến hoàn cảnh. Ông vui sống trong cảnh tù tội và sằn sàng đón chờ mọi chuyện.
Thời gian đó không khí trong trại Lam Sơn còn rất dễ chịu. Người cộng sản có sách vở để xử lý phe địch. Họ áp dụng phương pháp “bảy tầng địa ngục”. Họ không đưa người tù vào ngay tầng dịa ngục cuối cùng. Họ đưa vào tầng nhẹ nhàng nhất ở ngoài và dần dần đưa người tù vào các tầng bên trong khắc nghiệt hơn từng bậc để người tù thích ứng dần và mất ý chí phản kháng.
Trại Lam Sơn,  nơi tù nhân học 9 bài căn bản là vòng đầu của địa ngục. Sau giờ lên lớp tù nhân trở về nhà giam tự do thoải mái trò chuyện với nhau, nấu nướng linh tinh gì cũng được, có thể đi thăm bạn tù ở các nhà khác và chỉ phải tôn trọng giờ đi ngủ và giờ thức dậy. Trước cỗng trại Lam Sơn ban quản trại cho họp chợ bán thức ăn và mọi thứ cần dùng cho tù nhân. Vợ con tù nhân đến thăm bao nhiều lần một tuần cũng được và tù nhân có tiền (lúc đó tiền VNCH vẫn còn lưu dụng) có thể tiêu xài thoải mái.
Học xong 9 bài là thời  kỳ 2 tuần lễ để viết bản “thu hoạch”, nghĩa là mỗi tù nhân viết bản khai lý lịch, khai báo quá trình làm việc và mọi tư tưởng riêng tư. Trong thời kỳ này ban quản trại mỗi ngày tập họp tù nhân toàn trại một lần động viên tù nhân “thành thật khai báo” để được khoan hồng về với gia đình. Ban quản trại phỉnh các tù nhân rằng họ có hồ sơ từng người không cần khai báo họ cũng đã biết. Thu hoạch chỉ là để đo sự tin tưởng của tù nhân vào “cách mạng”. Thời kỳ khai báo họ để cho tù nhân nhiều tự do hơn và đa số tù nhân tưởng rằng (trừ các sĩ quan và viên chức ở trong ngành an ninh tình báo) sau khi viết xong bản thu hoạch họ sẽ được trả tự do. Tâm lý này làm đa số tù nhân viết rất thật, không dấu diếm ngay cả những gì nghĩ là sai trái mình đã làm, cũng như các công tác quan trọng mình đã thi hành. An ninh cộng sản chỉ cần có thế để phân loại tù nhân đưa vào những tầng trong thích hợp cho từng đối tượng của bảy tầng địa ngục.
Bản thu hoạch của tôi tương đối đơn gỉản nên chỉ cần vài hôm là tôi viết xong. Tôi ở trong quân ngũ 16 năm. Hai  năm tại trường đào tạo kỹ sư hải quân của hải quân Pháp, một năm phục vụ trên chiến hạm như một cơ khí trưởng và 13 năm tại Trường Sĩ Quan Hải quân Nha Trang như một huấn luyên viên và sĩ quan điều hành công tác đào tạo sĩ quan hải quân, trước khi đắc cử dân biểu thị xã Nha Trang và giải ngũ. Thời gian trên chiếm hạm, chiến tranh bắc nam chưa bùng nổ lớn nên chiến hạm của tôi chỉ đi làm các công tác tiếp tế nhỏ. Một chuyến đi tiếp tế địa phương quân canh gát đài khí tượng trên đảo Hoàng Sa, một chuyến tiếp tế cho trại tù Côn Sơn.
Thiếu Tá Sơn cũng không viết gì nhiều. Tôi hỏi, Sơn nói: “Họ nói họ đã biết hết rồi thì còn gì để viết. Tôi viết ngắn gọn rằng tôi là sĩ quan Lôi Hổ, một đội quân được huấn luyện để làm các công tác đột kích vào mật khu Việt cộng, và tôi đã từng giết nhiều cán bộ cao cấp trong các cuộc đột kích. Tôi sẵn sàng trả giá của người chiến bại theo tinh thần thượng võ, không có gì để nói chuyện khoan hồng khai báo lôi thôi.”
Cung cách của Thiếu Tá Sơn là vậy. Hiên ngang như đời sống phóng khoáng của anh. Anh kể rằng anh thuộc một gia đình công giáo sung túc. Bố mẹ muốn anh trở thành linh mục. Anh đã vào đại chủng viện, nhưng chịu không nổi khuôn phép của Giáo Hội để trở thành linh mục, anh rời chủng viện bất chấp sự bất mãn của bố mẹ. Tránh phiền toái và trách móc của gia đình anh thi vào trường sĩ quan bộ binh Đà Lạt. Ra trường anh chọn binh chủng Lôi Hổ để thỏa chí phiêu lưu.
Thiếu Tá Sơn cho biết anh có vợ và 2 con. Chuyện lấy vợ của anh ly kỳ không kém đời anh. Nó là một tình sử của thời chiến tranh. Trách Sơn cũng được mà thông cảm Sơn cũng được.
Chuyện Sơn kể rằng: Sau những ngày đánh trận anh thường lang thang nơi thành phố Nha Trang. Một nữ sinh ở Xóm Bóng lọt vào mắt xanh của anh. Hai người tha thiết yêu nhau và anh quyết định cưới người yêu.
Bố mẹ cô nữ sinh không thuận cuộc hôn nhân vì không muốn con gái ở góa trong thời chinh chiến. Lý do khác là khác biệt tôn giáo. Sơn đến nhà cô gái cho bố mẹ cô gái biết anh không có thì giờ chờ đợi và anh không buộc vợ rữa tội theo đạo Chúa. Anh nói anh đã sắp xếp với nhà thờ và trong vài hôm sẽ mang sính lễ tới xin cưới trước khi đi hành quân. Anh đã thuê một căn nhà trong thành phố cho vợ ở khi anh vắng nhà.
Ngày hẹn, anh đến nhà cô gái với sính lễ đầy đủ trên hai chiếc xe Jeep.  Anh dùng một xe có tài xế. Xe thứ  hai dành cho hai sĩ quan bạn và mấy quân nhân Lôi Hổ tháp tùng. Một đại úy đóng vai đại diện nhà trai làm chủ hôn. Một trung úy đóng vai phụ rễ. Anh Sơn mặc đại lễ trung úy Lôi Hổ, lưng đeo súng ngắn, ngực đầy huy chương.
Biết bố mẹ vợ tương lai sẽ từ chối cuộc rước dâu, anh cho quân nhân mang sính lễ vào nhà như không có chuyện gì sẽ xẩy ra. Anh Sơn và hai sĩ quan bạn theo sau. Thấy  quân nhân trang trọng vào nhà, bố mẹ cô dâu buộc phải ra tiếp (thời chiến tranh, không ai muốn cưỡng lại nhà binh!). Ông bố bình tỉnh hỏi quý vị đến nhà có việc gì. Ông đại úy chủ hôn trình bày lý do. Ông bố tuyên bố ông chưa bao giờ chấp thuận hôn lễ. Đã tính trước, ông đại úy xin được mời cô dâu ra để hỏi ý kiến. Từ trong phòng cô dâu trang phục sẵn sàng bước ra trước sự ngạc nhiên của bố mẹ.
Ông đại úy chủ hôn hỏi, và cô dâu xác nhận biết hôm nay là ngày hôn lễ của cô với trung úy Nguyễn Văn Sơn. Bố mẹ cô dâu nén giận nhưng đành phải để cho con lên xe hoa. Trung úy Sơn giành tay lái, người yêu khóc sướt mướt ngồi bên cạnh. Khóc vì lấy được người yêu hay khóc vì đã làm buồn lòng cha mẹ? Ghế sau hai quân nhân bồng súng ngồi ở thế tác chiến. Sĩ quan chủ hôn và phù rể lái theo sau. Đám cưới không có phù dâu.
Sau lễ cưới độc đáo của thời chiến tranh, trung úy Sơn chiến trận liên miên. Chị Sơn ở nhà lo tổ ấm. Sau vài năm anh chị Sơn có được hai cháu, một trai một gái kháu khỉnh. Thấy con gái có hạnh phúc với tình yêu chân thật bố mẹ chị Sơn tha lỗi cho con gái, nhận rễ và cho phép con gái và cháu ngoại về ở chung để con gái tránh đơn độc trong những lúc anh Sơn hành quân vắng nhà.
Biến cố tháng Tư đến và trung úy Sơn, lúc này là thiếu tá bị bắt tại mặt trận và đưa vào trại Lam Sơn. Câu chuyện giữa anh Sơn và tôi bắt đầu từ đó.
Cán bộ hướng dẫn nhà 10 của chúng tôi là một hạ sĩ quan quê Bắc Ninh. Anh ta hiền lành và không hống hách như các cán bộ khác. Anh thưộc một đơn vị chính quy quân đội Bắc Việt từng tham dự trận đánh An Lộc trong những ngày đầu của trận chiến sau cùng. Mỗi ngày anh đến nhà chúng tôi làm nhiệm vụ hướng dẫn và thường ngồi xổm trên đất, tay vấn thuốc lá phì phèo hút và kể đủ thứ chuyện về “ngoài Bắc ta” và chuyện chiến trận anh đã trải qua. Anh không tô điểm đời sống “ngoài Bắc ta cái gì cũng có” như các cán bộ khác và kể lại các trận đánh anh không theo luận điệu của trại là “trận nào quân ta cũng thắng”. Chúng tôi trong nhà 10 có nhiều thiện cảm với anh, và trở nên bạo dạn trong những trao đổi với anh.
Một hôm tôi ngồi cạnh Thiếu Tá Sơn nghe anh nói chuyện với anh trung sĩ cán bộ. Thuật lại một trận đánh để giành một vị trí gần Lộc Ninh, viên trung sĩ nói đơn vị anh, mặc dù với quân số áp đảo, đã gặp sự kháng cự mãnh liệt của một đơn vi quân đội VNCH cho nên dù chấp nhận mọi tổn thất nhân mạng đơn vị anh vẫn không chiếm được vị trí. Thiếu Tá Sơn cho biết tiểu đoàn của anh đã được phái đến tăng cường trong trận đánh đó. Sơn nói:
“Đánh đấm với các anh chán bỏ mẹ. Quân lính các anh cỡ tuổi 14 hay 15, trông như con nít, không biết gì khác ngoài việc xông tới, hết lớp này đến lớp khác. Chúng tôi bắn chết, thây chồng chất lên nhau trông vừa thương tâm vừa kinh tởm và có lúc tôi đã ra lệnh cho lính tạm ngừng bắn dù biết chậm một giây là đơn vị có thể bị tràn ngập”
Viên trung sĩ cán bộ nghe và không trả lời. Anh ta chỉ cười nho nhỏ. Vẫn giữ thế ngồi xổm anh xê dịch kiếm lửa châm điếu thuốc đang hút dở vừa tắt. Hình như anh ta chán nản một điều gì.
Chiều hôm đó tôi nói với Sơn: “Chúng ta là kẻ chiến bại. Những gì anh nói với viên trung sĩ cán bộ có thể được báo cáo và người  cộng sản có thể thủ tiêu anh. Khích hay làm nhục kẻ chiến thắng không phải là một cách hành xử không ngoan.”
Sơn cười chua chát: “Tôi biết họ và họ biết rõ tôi. Trước sau họ cũng sẽ giết tôi. Tôi nói để họ biết người chiến sĩ VNCH không hèn nhát. Thua, tôi chấp nhận mọi hậu quả, không than van, không than trời trách đất, không đổ thừa cho đồng minh bỏ chạy.”
Thiếu Tá Sơn rất ít nói đến gia đình dù tôi biết anh nghĩ tới và âu lo từng phút từng giây. Có lẽ anh đang dọn mình cho đời sống ở một thế giới khác cùng với người vợ và cũng là người tình duy nhất của anh. Trong khi thân nhân của các sĩ quan và công chức bị bắt tại Nha Trang và các vùng lân cận đến thăm thì không một thân nhân nào của anh Sơn đến thăm anh. Tôi hỏi, anh Sơn nói anh không biết và cũng không muốn đoán biết.  Anh nói anh xem như đời anh đã chấm dứt sau khi đơn vị anh đầu hàng và anh không thể tự vận vì anh là một tín dồ theo đạo Chúa.
Một thời gian vài tuần sau khi mọi tù nhân viết xong bản “kiểm điểm” nộp ban quản trại, tôi được chuyển sang một nhà khác giam chung với các công chức trong thị xã . Họ đã xếp loại và cho tôi vào thành phần “ngụy quyền”.
Bây giờ không còn chợ trời trước cổng trại Lam Sơn, không còn  những buổi thăm viếng tự do. Nhân một tù nhân lợi dụng giờ ra chợ trốn trại về Nha Trang bị bắt lại, ban quản trại không cho họp chợ nữa. Nhưng bên trong trại các tù nhân vẫn còn được đi lại từ nhà này qua nhà khác thăm viếng hàn huyên. Tôi vẫn thường đến thăm Thiếu Tá Sơn vào những buổi chiều trước giờ cơm chiều. Cơm còn đủ để ăn no với cá vụn và canh rau.
Một buổi chiều đang ngồi trong trại, cạnh con đường đất dùng để xe tuần chạy quanh các khu nhà, tôi nghe tiếng kêu từ một chiếc xe GMC chạy qua nhà tôi: “Anh Sơn ơi, tôi đi đây, vĩnh biệt anh.” Nhìn nhanh ra đường tôi thấy một chiếc xe GMC mui trần chở đầy tù nhân chạy qua. Một người lính cầm súng đứng gát phía sau. Thấp thoáng tôi thấy bóng dáng Sơn đưa tay vẫy, miệng không ngừng kêu “Anh Sơn! Vĩnh biệt anh!”
Anh Sơn bị chuyển trại. Và đó là hình ảnh cuối cùng của Sơn.
Tôi ra trại, vượt biên, và trong suốt hơn 30 năm ở  nước ngoài tôi vẫn ngóng trông tin Sơn. Tôi không nghĩ anh Sơn đã bị giết hay chết trong một trại tù nào đó ngoài miền Bắc. Một người giàu ý chí như Thiếu Tá Sơn không thể chết dễ dàng như vậy. Tôi tin anh vẫn sống và đã ổn định tại một góc trời nào đó trên trái đất này. Nhiều sĩ quan rơi vào những trường hợp nghiêm trọng hơn anh đã được ra nước ngoài theo diện HO.
Tôi tin anh Nguyễn Văn Sơn vẫn sống. Hy vọng lớn nhất của tôi là  đoản văn này lọt vào mắt của anh Sơn hay bạn bè anh Sơn trong quân ngũ hay ngoài đời sống dân sự. Xin nhắn với Thiếu Tá Sơn rằng người bạn tù Trần Văn Sơn tại trại Lam Sơn vẫn còn đây và chờ nghe tin lành của anh và gia đình. E-mail liên lạc: binhnam@sbcglobal.net
April 15, 2010
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com

Saturday, May 3, 2014

Quay lại cuốn phim tại sao mất Ban Mê Thuột

Image 
Nguyễn Ngọc Tuấn 
ĐĐT/CSDC Kiêm Chỉ Huy Phó Cảnh Sát 
Tỉnh DARLAC đặc Trách Hành Quân

Ngày 1-3-1975 
-"Thiếu Uý Đức đâu ?" Tôi vừa bước vào doanh trại Trung Đội CSDC quận Buôn Hộ, DARLAC vừa hỏi vợ Thiếu Uý Đức đang ngồi cho con bú trong phòng . 
-"Anh ấy dẫn trung đội vô rừng tìm thằng Ngạn bị Việt Cộng bắt hôm qua rồi . Đại Uý ơi , em giữ không được, em nói là đợi Đại Uý xuống nhưng anh ấy cú đi". 
Tôi thở dài, ngồi bịch xuống ghế, buồn và bực ."Lên Chi Khu hỏi xem hành quân ở đâu mới được!" Tôi nghĩ và bảo tài xế cùng hai cận vệ lái xe đưa tôi lên chi khu "Cách đường cái 6 cây số sâu trong rừng" . Trưởng ban 3 Chi Khu Buôn Hô cho tôi biết nhu thế . Không còn cách nào khác hơn, tôi cùng Quỳ tài xế và Khương, Tiến hai cận vệ cũng là trưởng ban 1, ban 2 DĐ 206CSDC đi kiếm chỗ ăn cơm . Lúc ấy là 1 giờ trưa, trời bắt đầu cơn mưa nặng hạt của vùng Tây Nguyên, Khí hậu còn phảng phất gió bấc của ngày Tết . Tôi đang cầm ly bia vội buông xuống vỡ tan: thằng Hiên, tiểu đội trưởng chùm "pông sô" từ đầu đến chân đứng ở cửa nhìn tôi; linh tính của một người đã đi hành quân nhiều lần báo cho biết có điềm không lành . 
-"Trình Đại Uý, Thiếu Uý Đức, Thượng Sĩ Mầu bị thương nặng, hai nhân viên tử thương!" 
Hiên nói cộc lốc và ngừng lại . Tôi đứng lên nhìn nó trừng trừng gằn từng tiếng:"Anh nói rõ tôi nghe". 
-Thưa Đại Uý, Trung Đội bị phục kích chỉ cách 10 mét, không kịp phản ứng nên bị thiệt hại, địch bắn như mưa . Em cũng trình luôn là mình đụng với Chính Quy ! 
-"Anh nói Trung Đội CSDC Buôn Hô đụng với Chính Quy hả ? Anh chỉ báo cáo láo . Quân anh đánh dở thì chịu dở, còn nói là đụng Chính Quy". 
Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng tiểu khu Darlac quạt tôi sau khi tôi thuyết trình về kết quả ghi nhận được liên quan đến tình hình địch tại Buôn Hô, một quận phía Bắc Ban Mê Thuột gồm 9 xã trong đó có một xã Kinh là Hà Lan ABC . 
-"Đại Tá muốn nghĩ sao thì nghĩ, tôi chỉ có nhiệm vụ tường trình"/ 
Ngồi uống bia với Thưông Sĩ Quỳ, tài xế của tôi, nhìn ly bia có cục đá trong suốt, nghe tiếng đá cục đập vào nhau kêu lách cách mỗi lúc cầm lên uống một hớp và đặt xuống bàn, tôi lại nhớ đến Thiêu Uý Đức . Nghĩ cũng buồn , mình đã phải điều 2 Trung Đội Nghĩa Quân thuộc Buôn Hô, một Đại Đội Thám Sát Đặc Biệt tỉnh do Đại Uý Y Jie B Ya chỉ huy, 3 Trung Đội CSDC lên đồi tại một vùng chi khu Buôn Hô chỉ để mong cứu Thiếu Uý Đức và Thượng Sĩ Mầu, tụi nó bảo là còn sống chưa chêt mà, lên lúc 6 giờ chiều, Việt Cộng pháo cho một chập phải lui xuống . Cũng tại thằng Lâm chỉ sai đồi, tao mới phải lui, may không có đứa nào chết thảm . Đêm về phải xin Đại Bàng (Trung Tá Trần Quang Vĩnh, chỉ huy trưởng Cảnh Sát Darlac) thêm 2 trung đội CSDC, một đại đội Địa Phương Quân . 
Mới mở mắt ra ở quận lỵ, đã có người báo "Việt Cộng mời Đại Uý Tuấn lên lấy 4 xác cảnh sát". 
-"Chết bỏ!" Đó là câu bùa của tôi mỗi khi chuẩn bị đi đánh Việt Cộng . " Tao chấp nhận đổi thêm 10 thằng nữa để lấy xác Thiếu Uý Đức và ba thằng con chứ không để kên kên nó ăn thịt". Nói với lính như thế để tụi nó khỏi run . Tôi biết là tí nữa sẽ căng vì địch đang đợi tôi và quân lên . Sau khi họp với Trung Uý Lại DĐP/CSDC , Đại Uý Y Jie B Ya CHT/Thám Sát, hai trung đội trưởng Nghĩa Quân, tôi quyết định đánh vòng, dùng pháo binh của chi khu Buôn Hô yểm trợ và mở một đường cho Việt Cộng chay.Bịt chặt nó, thì hao quân mà lâu nữa . 
-"Đại Bàng Tango phải không ? Thiếu Uý Hồng đây, em là pháo đội trưởng của TD/Pháo SĐ23 tăng cường tại Buôn Hô đây . Trời ơi! tưởng ai, Đại Bàng thi... líp " 
Tiếng Hồng e é trong ống loa PRC 25. Tôi cười mỉm và nói :"Dành cho tôi bao nhiêu quả? 100 nhé, OK ?" 

Lên từ 8 giờ sáng, vòng ngang và bọc vào . Hai trung đội Nghĩa Quân làm đe và trừ bị. Tôi dẫn CSDC và TSĐB (PRU) và một ĐĐ/ĐPQ vào . Pháo đánh và đập liên tục ngay mục tiêu, thế mà mãi tới 4 giờ chiều mới thấy chúng nó . " Đức ơi sao mày nặng thế ? Có linh thiêng thì nhẹ bớt lại cho lính khiêng" 
Bốn thằng nằm 4 chỗ, giầy thì "anh hai" lột hết, đồng hồ cũng mất tiêu luôn . Thương quá vì chưa bao giờ thua cộng sản . Tôi chuyên môn cho lính đi phục kích Việt cộng mà bây giờ để chết lính . " Đức ơi, mày ngu quá, Trương Phi chết vì muốn cứu Kinh Châu trả thù cho Quan Công, lính mà không thông binh pháp làm sao ăn được tụi nó . Bây giờ vợ con mày ai nuôi đây! Thôi tao uống cho mầy một chai nữa, tao về ngủ đây . Mày có nghe thấy không ? Đại Tá bảo tao báo cáo láo, ổng nói tình hình Darlac trăm phần trăm ngon lành khi không lại nói có...Chính Quy ! 

Ngày 9-3-1975 
9 giờ sáng tôi và Trung Tá Vĩnh Chỉ Huy trưởng CSDC Darlac ra phi trường L.19 đón Tướng Phú, Tướng Tư Lệnh vùng ỊI . Ra đến nơi đã thấy Đại Tá Luật, Trung Tá Thành, Tiểu Khu Phó, các trưởng phòng thuộc tiểu khu có mặt . Tướng Phú xuống phi cơ, tôi thấy ông có vẻ gầy chứ không to cao và béo như Tướng Toàn . 
Lại lục tục nối đuôi nhau chạy về trung tâm Hành Chánh quân tiểu khu họp . 
-"Tôi là trung ương của vùng II là cái rốn , nêu nó đánh anh, tôi cho quân cứu chứ nếu tôi chuyển Su Đoàn 23 bộ binh về đây, nó đánh Pleiku, làm sao anh có phương tiện chuyển quân lên cứu tôi . Tôi quyết định giữ Sư Đoàn 23 lại Pleiku" 
Tướng Phú đã phát biểu nhu vậy sau khi nghe Đại Tá Luật trình bầy rằng địch kéo quân về phía đường mòn **** khoảng 200 Molotova, nghi ngờ tụ quân 20 cây số Bắc Xã Quảng Nhiêu, Đại Tá Luật xin Tướng Phú đưa một hoặc hai trung đoàn thuộc SD 23 về Ban Mê Thuột vì hiện chỉ có 9 trung đội Nghiã Quân, một nửa đội Trinh Sát, 20 Lôi Hổ thuộc chiến đoàn 3 Xung Kích, một trung đội CSDC, một tiểu đoàn 224 DPQ để giữ thị xã Ban Mê Thuột . 
11 giờ, tôi và Trung Tá Vĩnh về BCH/CSDC Darlac tập họp các cấp chỉ huy:"Các anh nên đưa vợ con về Saigon để dễ dàng chiến đấu . Việt Cộng sắp đánh thị xã, có thể là ngày mốt 11 tháng 3. Đêm nay Đại Uý Tuấn chỉ huy ty mới về cho báo động". 

Đưa vợ con đi đâu được! 
Ở Air Viet Nam nguời đông như kiến, tôi bảo vợ tôi ngồi xe đợi và vào trong hỏi Nguyệt :"Anh Hội đâu", "không thấy", Nguyệt đáp . Thế là anh Hội cũng trốn rồi vì ở cái thành phố Buồn Muôn Thuở này ai mà không quen nhau. 
Về đến nhà, vợ tôi hí hửng vì không phải về Đà Lạt với mẹ . Con tôi thì cũng vỗ tay, lấy cái bê rê đội lên đầu, đeo kính của tôi và giơ tay "Chào Đại Uý" 
12 giở 30, tôi được Y Hoc Eban báo cho biết địch đã về đến Ea Hneh, vợ nó đi rẫy gặp Việt Cộng đang giăng giây điện thoại . Phone cho Đại Tá Luật biết gấp và xin trấn núi Châu Sơn làm thế ỷ dốc . Ăn cơm trưa xong, chạy xe vội qua ty CSDC ở đường Tự Do kiểm soát và phổ biến cho toàn thể nhân viên, tôi mệt nhoài vội vào phòng ngủ đánh một giấc. 
-"Thưa Đại Uý, Đại Tá tỉnh trưởng đến", thằng truyền tin báo tôi biết . 
-"Anh cho tôi xem qua hệ thống phòng thủ một chút" Đại Tá Luật cùng đoàn tuỳ tùng đi xem quanh trại giống như đi thanh tra . Tôi đi theo và hướng dẫn cách phòng thủ. "Tôi báo cho anh biết, doanh trại CSQG tôi sẽ dùng làm địa điểm thứ hai, nếu Tiểu Khu mất, anh nhớ nhé . Còn Thiếu Tá Trọng(Quận trưởng BMT)đêm nay điều đại đội ĐPQ cơ động của quận lên đóng trên đồi Châu Sơn , Tiểu Khu chỉ còn Tiểu Đoàn 224 thì đã phải trấn tại mặt Nam đồi La San, một đại đội tại tiểu khu, và một tại vườn ông Tôn Thất Niệm" . 
Quay sang Thiếu Tá Song, Tiểu đoàn trưởng Pháo Binh, Đại Tá Luật tiếp :"Bắt đầu 8 giờ tối nay anh cho gà con mổ khoảng 20 bắc Châu Sơn nhé . Địch đã xuất hiện rồi". 

8 giờ tối, lùa nốt miếng cơm cuối cùng, tôi đứng lên mặc áo . "Ăn dessert đã anh" Vợ tôi nói. "Bố đi hả bố?" Thằng Cuky con tôi mới hơn hai tuổi, nhưng nó không bao giờ đòi đi theo tôi khi nó thấy tôi mặc đồ rằn ri và đeo súng cả . Tôi cúi xuống hôn con, hôn vợ "Anh đi qua ty, anh dặn em lại là nếu có gì, em, bố và con chạy ra nhà ông bà Chí Thành nhé, mai anh về" Chẳng bao giờ có ngày mai cả, vì từ ngày đó đến nay tôi không còn thấy nàng và con nữa!!!
-"Oành ! Oành !" Tôi bật dậy, Khương ngủ cạnh tôi lắp bắp "Nó đánh, Đại Uý". Tôi bảo Tiểu Ban Đại Đội: "Báo động và đi kiểm soát, địch pháo". Quả pháo đầu tiên vào phi trường L19 lúc 3 giờ 20 sáng, 10 tháng 3-75, cách tôi khoảng 200 mét. Ra ngoài tôi thấy thành phố nhu rực lửa, không phải vì cháy mà vì địch pháo quá nhiều. Lính tráng nằm hết ở hố cá nhân. Hà! Thế mà tốt, nhờ hỏi tân binh Phước Long nên tôi đã thực hiện mỗi người một hố éch nhỏ xíu. Cho mày pháo đến mai. 
5 giờ sáng, tôi dùng PRC 25 liên lạc với thằng PRU trấn phía Bắc L19. Quyền , chỉ huy phó báo cáo hai cánh quân ở phía Bắc mà nó tung ra ngoài từ đêm qua theo lệnh tôi đã phải lui vào, đụng mạnh quá chịu không nổi, 30 thằng còn có 6 thằng chạy vô, bây giờ nó trấn hai hầm. Tôi cho Quyền biết là đang xin Tiểu Khu điều ĐĐ1/224 do Đại Uý Hải chỉ huy vào phi trường L19 bắt tay với nó, đừng lo. Ngay lúc đó tôi liên lạc được với Hải, Hải cười trong máy và hỏi tôi ở đâu để nó bắt tay. "Tao ở Bóng Chim Hồng, thằng sắp bắt tay mày là thằng con tao, Tư Tuởng, Sơn Tây, Tư Tưởng (Thám Sát Tỉnh) mày làm cho ngon nghe Hải". 
Mới ngừng mấy phút châm điếu thuốc trong hầm, cầm máy liên lạc lại với thằng 224 thì nó câm. Đổi qua giải toả cũng câm luôn. "Lê Lai" với thằng Quyền PRU thì nó nói, giọng nhẹ chút xíu và nghe yếu xìu: "Chưa thấy, Đại Bàng, tụi Vịt Con đã vô em rồi, nó đang đốt phá ầm ầm". Hỏi tình hình của nó Quyền cho biết , nó còn 12 con, 6 bị thương, 6 lành, hiện đang thủ hai hầm vì địch tràn vô L19 rồi. Tôi "lê lai" với Trung Tá Vĩnh xin lệnh:"Cho nó tự ý hành động". Tôi lập lại lệnh của ông Vĩnh cho Quyền. 

6 giờ sáng, đang liên lạc với các toán thì được Cuộc CSQG xã Lan Giao(thị xã) báo cáo : "Có địch xuất hiện trong phố, từng toán 5, 10 tên, mặc đồ lính, chân không, bảng tên trắng". Cầm cái máy FM5 liên lạc với cao tốc 01 đến 10, tất cả đều câm hết. Đang cầu nhầu với thằng lính truyền tin về vụ máy móc dởm quá thì tôi giật mình khi nghe mấy tiếng AK ngay cổng Đại Đội 206. Nhìn qua cửa hầm, tôi thấy thằng Khoái CSDC trung đội Buôn Hô đang rớt từ hàng rào. Một tên nữa (Thiếu Uý Tâm) nằm trước cổng. Thằng Hùng vội nhẩy xuống hố nhưng hình như không kịp nữa. Tôi bảo Trung Uý Lai cho hai quân ra trám chỗ. Thằng Tiến chạy vô " Thưa Đại Uý, việt cộng ở nhà Hướng Đạo bắn ra" "Tao biết rồi, để nó đó tính sau, để tao lo xong cái thằng PRU đã." Tôi cầu nhầu và tiếp tục gọi thằng Hải 224, Im lặng! Hỏng rồi!Địch mà chiếm L19 là thành phố mất. Tôi gọi Tiểu Khu báo cáo và xin hỏi thêm về thằng Hải. Tiểu Khu nói nó cũng không thây Hái đâu cả. Tôi vội xin gà cồ gáy vào L19 để chận địch. Gà mình lại mổ tới tấp vào L19. Ngay lúc đó 3 chiếc trực thăng đầy lính vọt lên không ngang đầu tôi. Tụi Vịt Con bắn theo đỏ trời. Thoát được 2 cái, 1 cái rơi ngay đồi phía sau. 
-"Alô Đại Bàng xin Tiểu Khu xin Nha Trang yểm trộ phi tuần đánh bom đừng để mất L19" Tôi gọi Trung Tá Vĩnh. Ông Vĩnh nói:"Yoa yên tâm, tôi sắp qua gặp Đại Tá đây, còn vợ con toa và gia đình moa đã cho ra ngoài hết rồi, cứ bình tĩnh" 

Dùng M79 và M60 diệt xong 3 thăng ở nhà Hướng Đạo, tôi thấy mệt nhoài. Mới 9 giờ sáng, phát lương khô cho lính ăn và thêm trái sáng để chuẩn bị đón Vịt Con đêm nay. Nó vẫn pháo như mưa. Cả ba thằng của tôi đều chết, 3 thằng Vịt con thường mạng. 
11 giờ trưa, Trung Tá Vĩnh bảo tôi là Đại Tá Luật chỉ thị CSDC ra đóng Biệt Điện. " Ông ấy có điên không? Ở đây còn nhìn thấy nó lấp ló, dẫn quân đi một cây rưỡi dọc L19 để đến bùng binh, may lắm còn mình tôi. Địch đang thiếu bia tập bắn" tôi nói. Ông Vĩnh:" Tuỳ toa, moa cũng từ chối rồi" 
11 giờ 30, địch ngớt pháo, nó cũng đói bụng, tôi nhủ thầm. 
-"Thưa Đại Uý, từ nẫy đến giờ, tiểu khu im lặng, em gọi mãi không được". Thằng Tồn truyền tin báo cáo. Tôi gọi lại Trung Tá Vĩnh, ông cũng xác nhận như thế. Mất rồi chăng? 
12 giờ 30, Cọp tới. Qua ống nhòm tôi thấy Biệt Động Quân từ phía chùa Dược Sư đi sau lưng trái tôi, tôi báo cáo nhưng ông Vĩnh nói "Việt Cộng đó, quân ta không tới đâu" Tôi ra lệnh Bộ chỉ huy Cảnh sát chuẩn bị tấn công, thằng Minh M79 khai hoả. Cao đánh thấp, thủ đánh công, không chột cũng què, tôi nghĩ. Minh bắn nhưng không thấy nổ. Bịch ! cầm lên, viên đạn M79 đụng nóc garage chẻ làm đôi Tôi hay tin dị đoan, nói với lính " Thằng nào hy sinh ra, nếu là cọp thì vô cho tao biết, còn là nó thì 'mo'." Quỳ tài xế nai nịt nhảy 10 mét hàng rào ra. 
-"Thưa Đại Uý, Cọp chính cống, em gặp Thiếu Tá Bảo, tiểu đoàn trưởng 1/21 rồi, danh hiệu đài đây" 
Tôi thở phào, suýt nữa thì đánh nhau mệt nghỉ vì lầm. 
14 giờ 30: Trung Tá Vĩnh cho biết: 2 tăng T 54 tấn công ty cũ (trung tâm Hành Quân Cảnh Lực) Ông nói đã bắn hết 8 M72 nhưng không hiệu quả, ông rút và trao quyền chỉ huy cho tôi. Tôi hỏi tình hình và xin lệnh sau cùng:"Tuỳ nghi xử trí" 
Thế là hết, chưa bao giờ như thế cả! Đã chán thì chớ, bên Thiếu Tá Thành , chỉ huy phó CSQG Hành Chánh gọi tôi qua họp với bộ tham mựu 
Bước chân vào hầm, mọi người đề nghị rút :"Đ.M.! Địch chưa đánh mà rút đi đâu ?". Ông Thành nói: "Tỉnh đã mất hết, mình cứ rút ra ngoài rồi trụ lại chứ đêm nay nó đánh bằng tổng lực chịu sao nổi !" 13 sĩ quan nhao nhao đòi rút . 
16 giờ 30 : Vịt Con bắt đầu đánh bằng pháo và đại liên . Vỡ quân ! Cảnh sát bên ty chạy ùa qua bên doanh trại đại đội, sợ quá mà vỡ quân . Dã chiến đoạn hậu, ra ngoài chùa Dược Sư đã . Cọp thì ở trung học Tổng Hợp rồi . 

6 giờ chiều đi ngang Buôn Koier, tôi gặp Trung Uý Xuân, trưởng phòng 2 tiểu khu, Đại Uý Chương ANQĐ, lại thằng Hải nũa chứ . Nó nói" Tao đụng một dàn B40, tụi nó nằm sẵn trong L19 . Đại đội còn có 46 thằng . Sao giờ này mày mới ra ? Tiểu khu bị 5 chiếc . T54 đánh lúc 11 giờ 30 . Tụi nó bắn 52 quả M72 hạ được 4 chiếc, chiếc sau cùng đứt xích thì mình hết đạn . Nó dùng đại bác 100 ly phơ sập hết . Đáng lẽ minh chưa "out" Nhưng có thằng A 37 khỉ gió thay vì bỏ bom con cua Việt Cộng, lại nhè cho hầm trung tâm hành quân một quả 250 cân, thế là "mo" . Tụi mình còn một ít chạy hết trọi" 
-"Đại Tá Luật chết trong đó hả ?" Tôi hỏi . 
-"Sức mấy, ông tỉnh chắc ăn, nên lúc gần sáng ổng phóng từ tư thất qua bộ Tư Lệnh SD 23 (lúc đó chỉ có hậu cứ) thay vì qua tiểu khu . Bây giờ ổng còn ở trỏng " 
Hải xin tôi một bản đồ và một địa bàn vì nó vứt lúc bị phục kích trong L 19 rồi . Tôi lấy của Trung Uý Lai đưa nó xài đỡ . 
Đêm 10-3-75, tôi và Hải đóng trong chùa Dược Sư cùng với một ít dân chúng đã chạy ra lúc chiều 

Ban đêm, nằm trên các tảng đá quanh chùa Dược Sư hút thuốc nhìn lên bầu trời . Sao đêm đó tôi thấy nhiều vì sao chạy thế nhỉ! Tôi nhớ ngày xưa người ta thường nói mỗi khi có người chết là một vì sao bản mệnh của người đó tan đi . Tôi nhớ đến vợ con, không biết đang chạy ở đâu trong vùng khói lửa của đạn thù! Tôi nhớ đến Tết Mậu Thân, Việt Cộng đã chôn sống 10 ngàn Quân Cán Chính VNCH . Thôi không nghĩ nữa, nghĩ nữa sẽ xụm không thể cầm quân được . 
Quanh tôi lúc này là những chiến sĩ Cảnh Sát đang trông vào tôi để hy vọng, để chiến đấu mong đẩy được tụi nó, tụi Việt Cộng ra, 11 giờ đêm, mà mọi người, già trẻ, lớn bé chưa ai ngủ . Người nào quần áo cũng xốc xếch, có cô còn mặc áo ngủ, có người vừa ôm con vừa ôm vợ, vừa cầm cây carbin M1 với một băng đạn . Tôi dụi thuốc và nhắm mắt nghỉ ngơi một chút . 

9 giờ sáng 11-3-75; tôi kéo đại binh cảnh sát khoảng 300 nhân viên vào nhà thờ Phú Long đóng quân . Trung Uý Lại trách nhiệm chỉ huy 50 CSDC phòng thủ quanh tường nhà thờ . Tôi nhìn quanh, chỉ chịu đựng đưọc một giờ nếu địch có trọng pháo yểm trợ . 
Gặp cha Diệu, cha xứ Phú Long :"Mời Đại Uý dùng cơm" Cha Diệu bảo tôi . "Cảm ơn cha, con không đói, có lẽ con vào Bộ chỉ huy TT Huấn Luyện Trung đoàn 45 đóng quân" Tôi đáp . Tôi ra ngoài nói Tôn truyền tin mở tần số ra liên lạc, gần một giờ sau mới bắt được tần số ."OK cho vào trú quân nhưng toa nhớ điểm từng người,nếu không Ve Chai nó trà trộn vô " Trung Tá Phùng lên tiếng trên máy . 
12 giờ 30 trưa, tôi dẫn quân vào Trung tâm giao tuyến giữa cho Thiếu Tá Lê Văn Hoan, Trưỏng F Đặc Biệt cùng 200 CSDB và CSSP . Thiếu Tá Thành chỉ huy phó hành chánh ở hầm trung ương . Tôi cùng 50 CSDC, 5 quân cảnh( tôi lụm được dọc đường), thủ tuyến A . Tôi hỏi một chuẩn uý, cán bộ Trung Tâm về quân số, được biết chỉ có 100 khoá sinh . Tôi xin lại thùng lụu đạn ra phân phát cho các hầm . Sờ vào nắp hầm, chà!! mỏng quá, tôi nghĩ chỉ chịu nổi 82 ly thôi . Chết, bỏ vậy!! 
3 giờ 30, một quả pháo đầu tiên rớt vào sân Trung Tâm, rổi tiếp đó bắt đầu như mưa . Qua ống nhòm tôi thấy một tên để lộ. VC mặc đồ lính chạy loanh quanh trong khụ nhà dân cách tôi khoảng 300 mét . "Minh đâu rồi! Minh M79 nhắm bắn cho tao coi mày ?" - Thưa Đại Bàng, thằng này khôn quá, nó né hoài, em bắn không được" 
Nhìn ra đường QL1 dọc cổng Trung tâm bên trái tôi, vắng hoe . 
Địch pháo liên tục . Oành! Đại uý Đoàn chủ sự phòng hành quân bị thương . Hai nhân viên khiêng Đoàn vào bệnh xá trong mưa pháo . Tôi vỗ vai Tôn, truyền tin cười nói: Đừng nghĩ gì nũa, đây là đất cuối cùng của thầy trò mình, hãy bình tĩnh . 
6 giờ chiều, khẩu pháo 105 và xe đạn của trung tâm trúng đạn . Mưa pháo nở giống như pháo đùng ngày Tết . "Hồng Hà 8! Trung Tâm rút ngõ sau rồi!" Tiếng Hoan rè rè trong máy . Tôi đáp "8 nghe rồi" Ngay lúc đó tôi thấy Cọp của Thiếu tá Bảo, một rồi cả trăm . Họ nằm bẹp trước mắt tôi vì pháo . Tôi nhìn Bảo lúc đó còn đeo Ray-Ban gọng vàng . Ra dấu hỏi, Bảo lắc đầu . Cọp bắt đầu di chuyển ngang tôi ra phía mặt sau Trung tâm và tụ quân trên các tường sân bắn . Cọp lì thiệt, giờ này mà nấu cơm . 
6 giờ 30 chiều, trời sụp tối, Hoan chạy ra gặp tôi: "Nó vọt hết rồi, bộ mày tính thủ một mặt, Cọp một mặt, còn bỏ lủng hai mặt hả Tuấn ?' Tôi ậm ừ "Ông vào gặp Ông Thành coi sao" Hoan nói Thiếu tá Thành đã vọt rồi . Suy nghĩ một lúc, tôi quyết định rút khỏi Trung tâm vì rộng quá, mà mình chiếm có một mặt, đêm nó giám uýnh lắm . Nhưng đi đâu đây ? Tôi cho quân rút ra xưởng cưa Công Binh cách Trung Tâm Huấn luyện TD 45 khoảng 200 mét 
9 giờ đêm tối, Đại uý Xuận trưởng phòng 2 tiểu khu, Trung uý Liên quân cảnh, Thiếu Tá Hoan CSDB họp và quyết định di quân về quận Phưóc An cách thị xã 32 Km về hướng Nha Trang . 
Trong lúc này ở phía phi trường Phụng Dực, chi khu Ban Mê Thuột rền súng và lửa . 
Trên đường di chuyển đêm theo QL1, tôi gặp hàng hàng lớp lớp dân chạy giặc . 

Ngày 12/3/75: 
7 giờ sáng, tại Phưóc An . Ô hô!! xe cộ và dân chúng đầy đường! Thiếu uý Lân,(Trung đội trưởng CSDC Phưóc An) và Trung Uý Liệu chỉ huy trưởng cảnh sát ra trình diện tôi cho biết Thiếu tá Hoàng Đình Tập, quận trưởng Phưóc An quyết định lui binh, chạy . Tôi hỏi ông Liệu : Ai cho lệnh chạy ? Liệu lắc đầu đưa hai tay lên trời . 
8 giờ sáng, tôi gặp Đại Uý Ba, chỉ huy trưởng CSQG Buôn Hô, "Địch đêm qua tiền pháo, hậu xung, ta chết khoảng 1/2, mở đường máu chạy băng 30 Km rừng sang Phước An" 
8 giờ 30 tôi gặp Thiếu tá Trọng, Quận trưởng Ban Mê Thuột cùng Thiếu uý Đức CSDC:"Đêm qua địch sáp lá cà, chi khu vỡ, còn sống duy nhất 13 CSDC và quận trưởng sau khi đột phá vòng vây ra Buôn Kô Tam" 
12 giờ đại binh không đầu chạy bộ, chạy xe từ cây số 32 Phưóc An đến 62 M'Rong Hô định về Nha Trang thì ngừng lại, một phần để nghỉ, một phần vì địch chận tại cây số 72 . Tôi hỏi tình hình, địch đóng chốt kiềng một trung đoàn . 

Ngày 14/3/75 
12 giờ trưa Trung tá Thạnh, tiểu khu phó, mặc áo may ộ xà lõn chạy xe Jeep lùn từ đồi 62 xuống và ra lệnh " Tất cả về Phước An để tái chiếm Ban Mê Thuột . Vui quá vì lại gặp vợ con . Quân lính đâu chuẩn bị . Tôi kéo quân về Phước An lúc 6 giờ chiều, nghỉ tại ngã ba ban đêm . 
Sáng 15/3/75, lúc 7 giờ di chuyển 2 km vô chi khu . 

10 giờ chi khu mời họp . 
"Báo cáo Đại tá, tôi hiện có 300 quân Cảnh Sát, vũ khí đầy đủ, gồm 120 CSDC, khoảng 100 CSDB, còn lại là CSSP" Tôi trình diện Dại tá Tiếu, người vừa được Quân Đoàn II đưa xuống thay Đại tá Luật mất tích . Các quân binh chủng lần lượt báo cáo quân số . Đại uý Hải tặng tôi một bộ bản đồ, tỉ lệ 1/100000 có Nha Trang, Hải nói để đền ơn tôi đã tặng bản đồ hôm trước . Cũng nhờ bộ bản đồ này mà tôi mới đi được tới Khánh Dương sau này . 
Đại tá Tiếu cho biết sẽ tử thủ ở Phước An, đợi quân cứu viện, địch đến là đánh . Tôi được cắt trú quân tại chợ Phước An làm thế ỷ dốc cho chi khu . Tôi về chia quân làm 16 chốt vòng tròn rộng 150 m, mìn Claymore cài lung tung . 

-Sáng 16/3/75: Tại đất trống trước chi khu tấp nập trực thăng lên xuống, chở người đi, đến Vùng ỊI . CSQG Nha Trang cử lên 3 ông để thanh tra, uỷ lạo . Tội nghiệp Thiếu tá Lê Văn Diệu trưởng E, yểm trợ vùng cũng lót tót lên mong gặp vợ con . Ai có vợ con đều được ưu tiên cho đi Nha Trang bằng trực thăng . Vợ con tôi đâu ? Sao không chạy ra nhỉ ? Cũng tại tôi đã nói với vợ là cứ an tâm, ta không thua đâu . 

-Sáng ngày 17/3/75: 7 giờ sáng Trung uý Lai, Thiếu tá Thành xin ra ngoài ngã ba, kiếm và thăm vợ cọn . OK! Nhưng về sớm nghe các ông . 
Ngay sau đó, khoảng 15 phút, tôi thấy tiếng súng lớn nổ rền vang ngoài ngã ba Phưóc An, kèm theo tiếng súng nhỏ . Khoảng 1 giờ sau, Thiếu tá Thành chạy vào báo cho tôi biết . Tăng Việt Cộng đến nơi . Vào chi khu thôi vậy . Thiếu tá Thọ mời tôi vào họp . Tôi bảo ông Thành vô, vì tôi không thể rời quân lúc này, mà rời thì quân tan ngay . Thiếu tá Thành nói: Đại tá Tiếu chỉ thị cho CSDC vào chi khu tử thủ ngay lập tức, ông cũng cho biết bộ chỉ huy Tiểu khu và Chi khu đã rút chạy ngõ hậu .Thiếu tá Thọ phía hai pháo 105 ly . 
Đã 7 năm lính, tôi đâu có khờ để mà làm chốt cho hai ông quan . Tôi ra lệnh quân rút theo đường rừng ra Buôn Phê ở cây số 42, dừng chân nghỉ trong môt vựờn chuối lúc 1 giờ trưa . Đến cây số 62 lúc 7 giờ tối 17/3/75 . Lại kéo quân lên chiếm đồi 62 lần thứ hai . 
-"Hưng, mày đó hả ?" Tôi gọi PRC cho Hưng, Thiếu tá TĐT DPQ M'Rong Ho(Chư Kuk) . "Tao đây, cần gì không ?" Nghe tiếng Hưng, tôi mừng quá . Tôi được biết bộ chỉ huy Chi Khu và tiểu khu nằm ở Chư Kuk đầy đủ cả . 
Đứng trên đồi nhìn dân Ban Mê Thuột chạy ra, họ đốt lửa trên quốc lộ vòng vèo như con rồng lửa dài khoảng 2 km . Buồn quá, tái chiếm cái gì kỳ quá! Thua đơn giản quá! Dù đâu ? Biệt Cách đâu ? TQLC đâu ? Sao Saigon không gửi lên ? Vợ con đâu ? Nuôi 3 năm, dùng 1 ngày không lẽ tôi đào ngũ, trà trộn với dân ? Không được, cả tỉnh trông vào mình , một súng không đủ, 1000 súng sẽ mạnh . 

-Ngày 18/3/75 
Tôi xuống dưới đường gặp một vài lính SD 23 cầm M16. Họ nói là thuộc trung đoàn 44 trực thăng vận về cứu Ban Mê Thuột (?) Không gặp cấp chỉ huy (?) Đi lang thang . 
7 giờ tối, tôi liên lạc Hưng . Thiếu tá Hưng cười trong máy khi tôi xin mua dùm gạo "Gạo cái gì mày! Có ăn bò thì lên tao cho vài con ăn chơi, gạo thì mậu, tao báo cho mày biết sáng mai tao "gô" Nha Trang đây . Tiểu đoàn gì mà còn có 17 lính Kinh, 42 lính Thượng . Tụi Tiểu khu vù hết về Nha Trang hồi chiều bằng trực thăng rồi mày ơi! Tại đây còn có mỗi tao và mày là còn súng còn đơn vị đó, có đi thì đi đi" 
8 giờ tối, tôi tập họp các sĩ quan tham mưu của CSDC Darlac lại trong căn lều chì huy . Đi thôi các bạn ơi, 10 ngày không có quân lên cứu . Về hướng đi rừng 

-Sáng 19/3/75 
8 giờ sáng, trời Tây Nguyên còn mù sương núi, đứng trên đồi cao nhìn lại Ban Mê Thuột . Vĩnh biệt em và con yêu dấu !. Vĩnh biệt thành phố buồn ! 
Trung uý Lai đưa cho vợ và 3 con 50 ngàn đồng "Em ở lại, anh đi theo Đại uý" Nhiều nhiều nữa . Tăng đến cây số 52 nhìn thấy rồi, đánh không nổi đâu vì có ai đâu mà đánh, quân không đầu, cầm PRC 25 gọi khản cổ, vặn đủ tần số . Không có là không . 
8 giờ 30, tôi đi đầu đưa 300 quân và 1500 dân chui vào rừng Chu Prong trực chỉ Khánh Dương . 
Vĩnh biệt Tây Nguyên! Vĩnh biệt núi rừng! Vĩnh biệt người thân! 


GHI THÊM CỦA NGƯỜI VIẾT 


Sụ viết này đưọc viết bằng sự mắt thấy tai nghe cũng như bằng sự hạn chế của một người sĩ quan trẻ . Qua một số chiến hữu kể lại, tôi được biết Chiến Đoàn 3 Xung Kích (Lôi Hổ Vùng II) gồm 20 quân đã chiến đấu trong bộ Chỉ huy của họ cho đến khi biết rằng không có quân cứu viện . Một số ĐPQ, Nghĩa quân đã cùng cha xứ Châu Son(2 km bắc thị xã BMT) chiến đấu được 3 ngày cho đến lúc Việt Cộng phải dùng pháo và tăng đánh . 40 PRU đã mất tích tại Quảng Đức . Một đại đội thuộc Trinh Sát Sư đoàn 23 đã chiến đấu 3 ngày ở Phụng Dực (phi trường chính cách BMT 6 km) v...v... 

Và còn nhiều nhiều, rất nhiều người đã ngã xuống, đã bắn địch đến viên đạn cuối cùng để bảo vệ tự do . Tôi rất cảm phục sự hy sinh vô bờ bến của họ . Chúng tôi chỉ muốn hỏi các ông Tướng : Tại sao không đưa quân lên tái chiếm Ban Mê Thuột trong lúc địch chỉ có 45 tăng T54, hai sư đoàn bộ binh, trong đó SD32 Thép chỉ còn tên chứ lính thì toàn mới . SD 316 Thiếu Nhi, nòng cốt chỉ có Trung đoàn 968 Đặc Công!! Vậy mà để sau đó hàng chục ngàn sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ đã phải rên xiết trong ngục tù khổ sai của Cộng sản trong suốt 10 năm qua . Hàng ngàn chiến sĩ đã chết trong ngục tù vì đói, lạnh, kiệt sức, bệnh tật (80% do kiết lỵ) hàng vạn con cái chiến sĩ đã phải đi bán xổ số, nhặt bao nylon bẩn, nhặt giấy vụn dù tuổi chưa được lên mười . 
Tôi nhớ trong kẻ sĩ của Nguyễn Công Trứ có câu: 


"Trong lăng miếu ra tài lương đống 
Ngoài biên thuỳ rạch mũi can tương 
Làm sao cho bách thế luu danh 
Trưóc là sĩ sau là khanh tướng 
Kinh luân khởi tâm thượng 
Binh giáp tàng hung trung 
Vũ trụ chi gian giai phận sự 
Nam nhi đáo thử thị hào hùng " 

Tiếc thay! tài hèn sức mọn, quân không đồng lòng rồi còn cái gì nữa nhỉ! Bây giờ treo cờ VNCH cũng phải xin phép . Bao giờ thì cờ vàng ba sọc đỏ lại tung bay ở Việt Nam yêu dấu . 10 năm rồi đó các ông Tướng ơi! 

Nguyễn Ngọc Tuấn 
Nguyên Đại Đội Trưởng CSDC 
Kiêm Chỉ Huy Phó Hành Quân BCH/CSQG Darlac


 Hội ngộ Tù Phong Quang, anh Tuấn đứng cuối cùng

Wednesday, April 16, 2014

Bút Ký Chiến Trường / Phan Rang 1975



8-16.4.1975: Phan Rang Thất Thủ
Bút ký chiến trường của Cố Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang

*Cộng quân tấn công căn cứ Không quân Phan Rang và trung tâm thị xã
Ngày16/4/1975, Cộng quân đã mở cuộc tấn công cường tập vào vị trí phòng ngự của lực lượng Dù và Địa phương quân vòng quanh căn cứ Không quân, đồng thời pháo kích vào khu vực phi cơ đậu và phi đạo. Cùng lúc đó, Cộng quân tấn công mạnh vào thị xã Phan Rang.

-Trưa ngày 16/4/1975, thị xã Phan Rang nằm trong tay Cộng quân. Tại bộ Tư lệnh mặt trận Phan Rang đặt trong căn cứ Không quân, Cộng quân xua quân tiến sát đến vòng đai phi trường, Trung tướng Nghi, Tư lệnh Tiền Phương Quân đoàn 3, và Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 Không quân, cho lệnh các sĩ quan và đơn vị trú phòng tùy nghi phân tán.
-Sau hàng loạt pháo kích bắn phá căn cứ phi trường, doanh trại và hệ thống công sự phòng thủ, Cộng quân cho bộ binh và thiết giáp đánh thẳng vào căn cứ. Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và Chuẩn tướng Sang đã bị Cộng quân bắt sau đó.
15 Ngày Tử Thủ Phan Rang
Hồi ký chiến trường của cố Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang Tư Lệnh Sư Đoàn 6 Không Quân-Nhớ lại suốt hạ tuần tháng 3 năm 1975, sau khi có lệnh bỏ Huế và Đà Nẵng, các đơn vị ta cứ lần lượt tháo lui, làm các tỉnh thành, quận lỵ phải rút theo, tạo ra cảnh đổ vỡ tan thương cho không biết nhiêu gia đình quân nhân cũng như dân chính. Tốc độ rút lui nhanh hơn tốc độ truy đuổi. Các đơn vị VC đến tiếp thu, không bị đánh chận, nên cứ ung dung tiến vào thành phố đã bị bỏ ngỏ.
Đến khi vào tiếp thu Nha Trang, chúng vẫn cứ tin rằng Phan Rang cũng đã bỏ chạy, nên tiếp tục cho các toán tiền thám cứ tiến vào. Ngạc nhiên, và cũng là lần đầu tiên bị ngăn chận trước khi đến Phan Rang, chúng bèn tháo lui về hướng Bắc, vào ẩn nấp trong vùng Ba Ngòi chờ viện binh. Mãi đến ngày 16/4/1975, khi tung ra toàn lực áp đảo, chúng mới vào được Phan Rang. Vào thời điểm các đại đơn vị ta rút lui, mà không có một sự kháng cự đáng kể nào để làm khó khăn và thiệt hại cho đối phương, thì căn cứ Phan Rang đã anh dũng chống cự, và đã làm thiệt hại đáng kể cho quân đội chánh quy Bắc Việt.
Chiến trận tại Phan Rang có thể chia ra làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhứt từ ngày 1 đến 3/4/1975, là giai đoạn hình thành tuyến phòng thủ, với Sư đoàn 6 Không quân và Tiểu đoàn 5 Dù thuộc Lữ đoàn 3 Dù cùng một số đơn vị Địa phương quân còn lại.

Sư đoàn 6 Không quân gồm:
- 3 Phi đoàn A-37, 524, 534, 548
- 1 Phi đội A-1
- 2 Phi đội tản thuơng 259 B và 259 C
- 2 Phi đoàn Trực thăng 229 và 235
Lữ đoàn 3 Dù gồm:
- Bộ chỉ huy
- Tiểu đoàn 5
Giai đoạn thứ hai từ ngày 4 đến 12/4/1975, là giai đoạn củng cố tuyến phòng thủ, với sự thành lập Bộ Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 3, với Lữ đoàn 2 Dù. Đây là thời gian đem đến ít nhiều lạc quan trong việc ổn định tình hình sau nhiều ngày xáo trộn. Một số đơn vị nhỏ của địch đã hoàn toàn bị đẩy lui khỏi đèo Du Long rút về ém quân tại khu Vườn Dừa, Cam Lâm đợi tăng viện.
Lữ đoàn 2 Dù gồm:
- 3 Tiểu đoàn 3, 7, 11
- 1 Tiểu đoàn Pháo binh
- Các đại đội Trinh sát, Công binh, Quân y, Truyền tin, Yểm trợ Tiếp vận .
Giai đoạn thứ ba từ 13 đến 16/4/1975, là giai đoạn của trận chiến quyết định, với các đơn
vị gồm:
- Liên đoàn 31 Biệt động quân gồm 3 Tiểu đoàn 31, 36 và 52.
Tăng cường cho Bộ Tư Lệnh Tiền phương: - Toán Thám sát/Nha Kỹ thuật .
Sư đoàn 2 Bộ binh gồm:
- 2 Trung đoàn 4 và 5
- 2 Pháo đội gồm 10 khẩu 105 ly
- 2 Chi đội Thiết Vận Xa gồm 10 chiếc
Lực lượng Hải quân gồm:
- Duyên đoàn 27
- 2 Khu trục hạm
- 1 Giang pháo hạm
- 1 Hải vận hạm và một số tàu yểm trợ .
Trong 2 ngày 13 và 14, Lữ đoàn 2 Dù được lịnh rút về Saigon. Liên đoàn 31 Biệt động quân và Sư đoàn 2 Bộ binh ra thay. Vừa thay quân vừa chiến đấu, và phòng tuyến Phan Rang bị tràn ngập vào trưa ngày 16/4/1975, bởi 2 sư đoàn VC 325 và 3 Sao vàng, cùng với các đơn vị của Đoàn 968 VC. Trong ngày 14/4/1975, ngoài Duyên đoàn 27 đã có mặt tại Phan Rang, Hải quân Saigon tăng cường khẩn cấp 2 Khu trục hạm, 1 Giang pháo hạm, 1 Hải vận hạm cùng một số tàu yểm trợ.
Lực lượng địch: Theo tù binh thuộc Đoàn Hậu cần 57 địch bị bắt tại đèo Du Long ngày 9/4/1975, các cấp chỉ huy địch ngỡ Phan Rang đã bỏ chạy, nên tiếp tục cho các bộ phận truy đuổi, cứ yên tâm tiến vào tiếp thu. Bị đánh đuổi, chúng lui về lẫn trốn vùng Vườn Dừa, Ba Ngòi chờ đại quân của 2 Sư đoàn 3 và 325 VC từ phía Bắc đến. Các nhóm du kích vẫn hoạt động gần phi trường. Đoàn 968 VC vừa ghi nhận có mặt. (xác nhận bởi Đại tá Nguyễn Thu Lương và Trung Tá Phạm Bá Mạo khi bị đơn vị nầy bắt tại mặt trận.) .
I. HÌNH THÀNH TUYẾN PHÒNG THỦ
Kể từ ngày 1/4/1975, sau khi Nha Trang bỏ ngỏ, căn cứ Phan Rang đương nhiên trở thành căn cứ tiền tuyến của Miền Nam. Buổi tối cùng ngày, Trung tá Lê Văn Phát, Lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 3 Dù cùng Bộ chỉ huy Lữ đoàn và một phần của Tiểu đoàn 5, trên đường rút từ Khánh Dương xin vào để chờ phi cơ về Saigon. Căn cứ tôi lúc bấy giờ rất là trống trải, vì một số lớn quân nhân Địa Phương Quân canh gác vòng đai đã bỏ nhiệm vụ. Trong căn cứ, một số quân nhân trẻ nổ súng loạn xạ vì lo sợ vu vơ. Ngoài thị xã, Tỉnh trưởng đã rời nhiệm sở, dân chúng thì ngơ ngác, phân vân. Trên quốc lộ 1 và 11 hướng về Saigon, từng đoàn xe dân sự và quân sự chật nứt người rầm rộ tiếp nối nhau chạy giặc. Tệ hại hơn nữa là Đà Lạt cũng bỏ chạy, và đoàn xe của Trường Võ Bị Đà Lạt đang theo Quốc lộ 11 trên đường đi Bình Tuy cũng vừa chạy ngang căn cứ. Lúc nầy thực sự, căn cứ tôi đang trở thành tiền đồn và đang ở trong tình trạng hết sức cô đơn.
Chuẩn bị tìm phương kế giữ an toàn, tôi chỉ thị hạn chế sự ra vào căn cứ để tránh xáo trộn do toán người tháo chạy mang đến. Vì vậy nên khi nghe có đơn vị Dù xin vào căn cứ, tôi liền hỏi xin lệnh Bộ Tư Lệnh KQ. Được biết đó là do Bộ Tư Lệnh Dù yêu cầu để Lữ đoàn III được văo căn cứ như đơn vị tăng phái phối hợp phòng thủ, tôi mới thuận cho đoàn quân của Trung tá Phát vào phi trường. Thật là đúng lúc cần thiết và tôi rất bằng lòng có thêm người để giữ an toàn cho căn cứ hiện trong tình trạng bỏ ngỏ. Tôi phối họp ngay với Trung tá Phát để phối trí việc phòng thủ căn cứ với Không đoàn Yểm Cứ của Trung tá Phạm Bá Mạo và Trung tá Nguyễn Văn Thiệt vì căn cứ mênh mông với vòng đai hình vuông mỗi cạnh 6 km, mà Liên đoàn Phòng Thủ chỉ có khả năng phụ trách canh gác vòng đai gần mà thôi. Dù muốn dù không, căn cứ không quân Phan Rang đã trở thành tiền đồn của Miền Nam mà tôi đang là người có nhiệm vụ phải chống giữ. Tôi chỉ thị Trung tá Diệp Ngọc Châu Phụ tá Nhân Huấn phải theo dõi sát vấn đề nhân viên, để đừng xảy ra tình trạng bung chạy, vì quá hoang mang, giao động trước việc, có thể chiến đấu như bộ binh.
Trung tá Phát sử dụng Đại đội Trinh sát Dù, bung ra kiểm tra nội vi căn cứ và đánh đuổi một vài tên du kích mon men vào Đồn Đại Hàn gần cổng số 2 của căn cứ. Về phần Không quân, các cấp phi hành và kỹ thuật đê am hiểu tình hình mới, chấp nhận thực trạng và hết mình nỗ lực chiến đấu vì nhu cầu phòng thủ. Vào buổi chiều, Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2 ghé căn cứ thăm hỏi tình hình. Sáng hôm sau, rời căn cứ bay về Saigon.
Ngày 2/4/1975, Saigon tăng cường một đơn vị Dù. Trung tá Phát liền sử dụng để kiện toàn an ninh cho phi trường và phối hợp với các đơn vị Địa phương quân trong việc giữ an ninh cho thị xã. Lúc 2 giờ chiều, tôi bay xuống Phan Thiết đón Trung tướng Nguyễn Văn Toàn Tư lệnh Quân đoàn 3. Khi gặp tôi, ông nói sở dĩ muốn gặp tôi tại Phan Thiết là để xác nhận sự hiện hữu của Phan Rang, mà giờ nầy lẽ ra cũng đã bỏ chạy như Nha Trang và Cam Ranh rồi. Sau khi nghe tôi thuyết trình tình hình, Trung tướng Toàn nói:" kể từ buổi thị sát nầy, Phan Rang sát nhập vào Quân đoàn III, trở thành cứ điểm cực Bắc của quân đoàn." Cùng ngày tôi nhận được lệnh Bộ Tổng tham mưu chỉ định tôi phụ trách bảo vệ Phan Rang.
Ngày 3/4/1975, TĐ5 Dù để tạm kiểm soát các khu vực cạnh thị xã và nội vi phi trường. Từ Ba Râu đến Thị xã, dân chúng bớt hoảng sợ mặc dầu sanh hoạt vẫn còn rụt rè. Trong căn cứ Không đoàn Yểm Cứ đã chấn chỉnh an ninh nội bộ khiến cho căn cứ lần lần lấy lại sinh hoạt bình thường.
Đại tá Lê Văn Thảo Không đoàn trưởng Không Đoàn 92 Chiến Thuật với 3 phi đoàn A-37, 524 Thiên Lôi, 534 Kim Ngưu và 548 Ó Đen. đã sát cánh cùng đoàn viên xuất kích đêm ngày rất hữu hiệu. Trung tá Lê Văn Bút Không đoàn trưởng Không Đoàn 72 Chiến Thuật với 2 phi đoàn trực thăng 229 và 235, 1 phi đoàn Quan sát 118 và một bộ phận của Phi đoàn 530 A-1 với Phi đội tản thương 259 C, đã bay thi hành nhiều công tác khó khăn nguy hiễm. Trung tá Đổ Hữu Sung và đoàn kỹ thuật gan dạ, chu toàn mọi công tác sửa chữa và trang bị dưới làn pháo kích ngày đêm của địch.
Theo tin tức của các quân nhân ta từ các nơi ghé xin phương tiện về Saigon, thì VC đang xuất hiện ở Vườn Dừa, Ba Ngòi. Tôi liền cho phi cơ quan sát bao vùng và chỉ điểm cho phi cơ A-37 đánh phá. Cộng thêm các khó khăn, việc tiếp tế nhiên liệu đang gặp trở ngại vì xe bồn không cung cấp như bình thường, bởi cảng Cam Ranh đã bị địch chiếm. Vì vậy hàng ngày, tôi phải nhận tiếp tế từ Saigon bằng phi cơ C-130, một số lượng nhiên liệu tối thiểu cho hành quân mà thôi. Để tránh hỗn loạn khi bị pháo kích dồn dập, tôi cũng phải cho nửa số phi cơ về trú đêm ở Saigon, để sáng hôm sau trở ra với đầy nhiên liệu.
Trong ngày, khi biết có tàu Mỹ đang lảng vảng ngoài vịnh Phan Rang để chở một số người, tôi liền cử Trung tá Lý Văn Bút dùng trực thăng đáp trên một trong những tàu đó để chào hỏi và cho biết hiện tình ở Phan Rang. Tiếp đón và trả lời những điều muốn biết trong lối 1/2 giờ, Hạm trưởng thúc giục Trung tá Bút rời tàu. Xuyên qua lời trình thuật của Trung tá Bút, tôi để hiểu rõ ràng là trong cấp thời, Mỹ không còn có ý định dính líu gì nữa đến cuộc chiến đang diễn tiến hiện nay.
II. BỘ TƯ LỆNH TIỀN PHƯƠNG
Phan Rang nằm vào phía Nam của một thung lũng hẹp bao bọc bởi các dải núi về hướng Tây, Bắc và Đông Bắc, có các cao điểm và đèo Du Long rất thuận tiện cho việc phòng ngự. Ngày đêm phi cơ trong căn cứ liên tục quan sát bao vùng và oanh tạc ngay các mục tiêu bị phát hiện. Các đơn vị VC đã tiến quá xa với hậu tuyến của họ. Họ chỉ mới tiếp thu Nha Trang và Cam Ranh. Với mức độ hành quân 10 cây số ngày hoặc gia tăng với phương tiện chiếm được thì không thể tập trung tấn công ngay được. Có thể có những phần tử lẻ tẻ đã xâm nhập và đang ém quân, nhưng ngoài ra Phan Rang chưa có nguy cơ bị tấn công ngay bởi quân chánh quy. Muốn tấn công, có thể chỉ có từ 2 hướng: Một là từ hướng Bắc, theo QL 1 tiến qua đèo Du Long thẳng vào thị xã và hai là từ hướng Tây tấn công từ Khrông Pha qua Tân Mỹ hướng về thị xã Phan Rang. Ngoài ra còn có một ít đường mòn từ Vườn Dừa, Ba Ngòi chạy theo hướng Nam Tây Nam sát căn cứ KQ hướng về Tân Mỹ có thể chọn để xâm nhập được. Trong lần bay quan sát chiều ngày 14.4.75, tôi thấy một vài thiết vận xa địch trên những đường mòn nầy vào hướng Tây Bắc của căn cứ, cách khoảng 8 km. (Đương nhiên, khi bị phát hiện, chúng đều lẫn trốn trước khi bị oanh tạc.)
Thị xã và Phi trường Phan Rang nằm vào phần Nam của cái thung lũng đó. Quốc lộ 1 và đường xe lửa chạy song song xuyên qua đèo Du long về thị xã, tách ra tại Thôn Ba Râu, chạy sát phi trường rồi tiến về Nam không qua thị xã. Từ thị xã đến Du Long khoảng 15 km với Ba Râu khoảng 9 km và với Cà Đú khoảng 4 km. Từ Cà Đú đến thị xã, mặt đất bằng phẳng. Phi trường Phan Rang rất rộng, hình vuông, mỗi cạnh trên dưới 6 km, nằm giữa QL 1 và QL 11 và sát với đường xe lửa về hướng Đông, cách thị xã 5km và Nha Trang khoảng 80km. Có 2 đường bay song song, 1 bằng xi măng cốt sắt và 1 bằng vĩ nhôm dài 10.000 bộ, rộng 150 bộ. Có đầy đủ cơ sở cho kỹ thuật, tiếp liệu với các bồn xăng và kho bom theo tiêu chuẩn an ninh tối tân. Việc phòng thủ bao gồm 60 chòi gác, với 2 cổng chung quanh căn cứ do 7 đại đội Địa phương quân phụ trâch.
Ngày 4.4.1975, Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chánh thức đến Phan Rang cùng với toán truyền tin và chuyên viên, nhận trách nhiệm phòng thủ Phan Rang, và thiết lập Bộ chỉ huy Tiền Phương trong Căn cứ của Sư đoàn 6 Không quân, nằm vào lối 5km Bắc Tây Bắc của Thị xã Phan Rang. Ông cho biết là đã được Thượng cấp chấp thuận gởi ra một số đơn vị chưa bị ảnh hưởng của việc rút quân để giữ Phan Rang. Bởi tin tưởng vào lời hứa hẹn nầy, nên Ông rất vui lòng đảm nhận chức vụ . Vì địa thế của Phan Rang có nhiều thuận lợi cho việc phòng thủ, nên Trung tướng Nghi quan niệm: " Phải chống giữ mặt Bắc từ Quận Du Long, mặt Tây từ Quận Tân Mỹ và phải giữ an toàn cho căn cứ Không quân, cũng như giữ an ninh cho Thị xã phối hợp với một số đơn vị Địa phương quân còn lại."
Theo quan niệm đó, Trung tướng Nghi thảo ra kế hoạch phòng thủ Phan Rang với một lực lượng cỡ 2 sư đoàn mới có thể trong tạm thời phòng thủ được. Đó là:
**Mặt Bắc, trên Quốc lộ 1 trấn giữ các điểm cao tại đèo Du long với một dải chiến tuyến hùng hậu tại Du Long cùng các tuyến phụ tại Ba Râu và Ba Tháp để ngăn chận mọi cuộc tấn công hướng vào thị xã hoặc vào căn cứ.
**Mặt phía Tây, trên Quốc lộ 11, án ngữ tại vùng Tân Mỹ, một chiến tuyến để chận địch và bảo vệ mặt Tây và Nam của phi trường.
**Bảo vệ an ninh cho thị xã và phi trường do các đơn vị chánh quy phối hợp với Địa phương quân phụ trách.
Ngày 5.4.1975. Trong ngày, thỉnh thoảng vẫn có vài quân nhân Không quân thất lạc trình diện xin phương tiện về Saigon và luôn xác nhận là vẫn có một số VC xuất hiện ở Vườn Dừa, Ba Ngòi. Chúng nói vì có quân Dù của ta ở phía trước nên chúng còn nấp chờ chi viện. Ngoài ra Tướng Times, phụ trách an ninh cho Tòa Đại sứ Mỹ, đến thăm và nói sẽ sắp xếp cho người của ông thường xuyên ở lại đây, để chuyển tin ngay về tòa đại sứ. Trong mấy ngày qua, tôi đã điều hành công việc như là cấp có trách nhiệm ở Phan Rang, ngoài trách vụ chuyên môn là phụ trách Sư đoàn 6 KQ. Vô tình tôi đã biến căn cứ Không quân Phan Rang thành một cứ điểm phòng thủ tiền tiêu của cuộc chiến tranh rất phức tạp nầy.
Ngày 6.4.1975, sinh hoạt trong căn cứ không quân đã có sự bình thường và các phi vụ đều được thi hành như thông lệ. Thêm một số quân nhân của 7 Đại đội Địa phương quân phụ trách canh gác vòng ngoài phi trường tiếp tục trở về. Quân địch sau khi chiếm Nha Trang, liền vội vã đến tiếp thu Cam Ranh. Toán viễn thám của họ theo đã chạy tiếp thu, có thể đã xâm nhập từ Vườn Dừa, Ba Ngòi, qua đồi Du Long, xuống về phía Nam. Các Sư đoàn xâm nhập chưa thấy xuất hiện. Chỉ biết có đơn vị F-10 hoặc 968 đang lẫn núp xâm nhập lẻ tẻ.
Ngày 7.4.1975 là ngày đáng ghi nhớ. Đại tá Trần Văn Tự, Tỉnh trưởng Phan Rang, vừa trở về với một số công chức, và đang tập họp các lính Địa phương quân và Nghĩa quân. Đại tá Nguyễn Thu Lương, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 2 Dù, với 3 Tiểu đoàn 3, 7, 11 và 1 Tiểu đoàn Pháo binh cùng các Đại đội Trinh sát, Công binh, Quân y, Truyền tin, Yểm trợ Tiếp vận lần lượt đến căn cứ. Trung tướng Nghi liền giao cho nhiệm vụ chiếm các cao điểm và tổ chức tuyến phòng thủ tại Du Long mặt Bắc và tại Tân Mỹ mặt Tây. Tập trung lực lượng khi cần để chận không cho địch vượt qua Du Long. Sử dụng Tiểu đoàn 5 Dù của Trung tá Phát hiện có mặt tại căn cứ giữ an ninh cho phi trường.
Ngày 8.4.1975, khi đơn vị cuối cùng của Lữ đoàn 2 Dù đến căn cứ, Đại tá Lương liền điều động giải tỏa đoạn Quốc lộ 1, từ Thị xã đến Du Long, qua các Thôn Cá Đú, Ba Tháp, Ba Râu và Du long, với 2 Tiểu đoàn 11 và Tiểu đoàn 3. Trên đường tiến quân, Tiểu đoàn 3 Dù đuổi địch chạy tán loạn khỏi Ba Tháp và Ba Râu. Địch tổn thất khoảng một đại đội với nhiều vũ khí. Tiểu đoàn 11 được trực thăng của Sư đoàn 6 Không quân, đưa đến chiếm Du Long, và các cao địa trọng yếu kiểm soát đường đi Du Long. Bắt sống tại đèo Du Long, 7 xe tiếp tế thuộc đoàn hậu cần địch cùng một số quân lính VC, vì ngỡ Phan Rang đã bị chúng chiếm, nên cứ ngang nhiên di chuyển. Đồng thời, tìm thấy bộ đồ bay của Trung úy Lý Tống, thuộc Không đoàn 92 Chiến thuật/ Sư đoàn 6 Không quân, còn để tại vùng đèo Du Long, khi phi cơ A-37 của mình vừa bị bắn rơi, lúc cùng phi đội oanh tạc khu Vườn Dừa. (Trung úy Lý Tống là người đã thả truyền đơn chống cộng tại Saigon năm 1992, tại Cuba trong năm 2000 và tại Saigon cuối năm 2000, nhân dịp Tổng Thống Bill Clinton đến thăm Việt Nam.)
Tại phía Tây, phần lớn của Tiểu đoàn 5 Dù đã trấn ngữ đầu cầu hướng về Tân Mỹ, ngừa được sự tấn chiếm từ hướng nầy. Trong căn cứ, toán Trinh sát Dù cũng lại đuổi khỏi đồn Đại Hàn một số quân nhân địch vừa lén lút xâm nhập. Tiểu đoàn 7 trừ bị giám sát việc giữ an ninh trong căn cứ không quân với Tiểu đoàn 5 của Lữ đoàn 3 Dù. Kết quả là trong ngày nầy, Phan Rang đã hoàn toàn kiểm soát được tình hình vốn bị trì trệ từ khi Nha Trang và Cam Ranh tháo chạy. Buổi sáng, lúc Trung úy Nguyễn Thành Trung vừa oanh tạc Dinh Độc Lập, thì Bộ Tư Lệnh Không Quân bảo tôi phải cho ngăn cản và bắt đáp, nếu Trung bay qua Phan Rang. Lệnh đã được cấp tốc thi hành, và Trung đã không bay qua đây. Đặc biệt Cha giáo sứ Hồ Diêm, với niềm phấn khởi, đến thăm Trung tướng Nghi để hoan nghênh quân Dù đã giải tỏa được Phan Rang. Điểm đáng đề cao là chính Cha, cùng với lực lượng Nghĩa quân và Nhân dân tự vệ của giáo sứ, đã thành công bảo vệ địa phận mình chống lại các cố gắng len lỏi xâm nhập của địch.
Ngày 9.4.1975, Trung tá Lê Văn Bút, Không đoàn trưởng Không đoàn 72 Chiến Thuật, bay chỉ huy 40 trực thăng HU với 12 trực thăng Võ trang cơ hữu cùng 8 trực thăng Chinook từ Biên Hòa biệt phái. Mục đích là để lên Khánh Dương tìm kiếm và chở về các toán còn kẹt lại của Lữ đoàn 3 Dù, gồm 2 Tiểu đoàn 2 và 6 cùng một số quân của Tiểu đoàn 5, lúc Nha Trang rút chạy. Cùng đi có Trung tá Trần Đăng Khôi, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 3 Dù phụ giúp tìm kiếm, chọn bãi đáp để rước toán thất lạc nầy trở về. Bấy giờ khu vực Khánh Dương đa trở thành vùng địch kiểm soât, nên tôi cho bay theo 2 phi đội A-37 yểm trợ. Kết quả là đoàn trực thăng đã mang về đến căn cứ Phan Rang, hơn 600 người mà phần lớn là quân nhân của các Tiểu đoàn 2 và 6, cùng một số thất lạc của Tiểu đoàn 5 với một số ít dân sự chạy loạn đi theo. Toán nầy vào buổi chiều được chở toàn bộ vào Saigon. Cuộc hành quân trực thăng vận thành công tốt đẹp, đem về được số quân nhân thất lạc của Lữ đoàn 3 Dù. Thật đúng là một chuyến bốc quân lịch sử. Đoàn trực thăng 60 chiếc đã phải bay qua vùng địch chiếm với mọi hiểm nguy và bất trắc khôn lường.
Trong thị xã, Đại tá Trần Văn Tự Tỉnh trưởng tiếp tục chấn chỉnh các phần vụ hành chánh, đồng thời lo chỉnh đốn hàng ngũ các đơn vị Địa phương quân. Ngoài thị xã, dân chúng hãy còn e dè ở lại, nhưng không tuôn chạy nhiều như những ngày trước. Cuộc sống có chỉ dấu trở lại bình thường, tạo nhiều phấn khởi.
Các ngày 10 và 11. 4.1975 có được sự yên tĩnh trong toàn bộ vùng Phan Rang. Bộ Tư lệnh tiền phương đang trù tính kế hoạch chiếm lại Cam Ranh để sau đó lấy lại Nha Trang. Địch sau khi bị đuổi khỏi các địa điểm xâm nhập đang tập trung ém quân tại vùng Vườn Dừa ở Cam Lâm chờ đợi viện quân.
Ngày 12.4.75 là ngày khởi đầu có bất trắc trong việc phòng thủ Phan Rang.
Lệnh từ Quân đoàn III cho biết sẽ rút Lữ đoàn 2 Dù và Tiểu đoàn 5 Dù vào ngày 13.4.1975, và thay bằng Liên đoàn 31 Biệt động quân với 3 Tiểu đoàn, và Sư đoàn 2 Bộ binh với 2 trung đoàn, cùng 2 Chi đội Pháo và Chi đội Thiết vận xa. Liên đoàn 31 Biệt động quân vừa rút khỏi Chơn Thành, sau nhiều ngày tác chiến gian khổ với nhiều tổn thất, chưa kịp nghỉ dưỡng quân, thì được tung ra tiền tuyến với quân số thiếu thốn trầm trọng. Sư đoàn 2 Bộ binh cũng vừa tháo chạy từ Quảng Ngãi, vừa tập trung tại Bình Tuy và đang được bổ sung quân số thì được lịnh phải ra Phan Rang, trong khi cả đơn vị hãy còn hoang mang, dao động. Vì chưa kịp bổ sung thiết bị, đơn vị nầy phải thu lượm một số pháo và thiết vận xa để mang theo cùng với các trung đoàn ra Phan Rang bằng đường bộ.
Bộ Tổng tham mưu Phòng 7 vừa bổ sung toán thám sát, vì kiểm thính phát hiện rộ lên nhiều liên lạc vô tuyến của các đơn vị địch xung quanh Phan Rang. Chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng Tư lệnh Sư đoàn Dù và Trung tướng Trần Văn Minh Tư lệnh Không Quân, cùng đến thám sát công cuộc phòng thủ. Cả hai vị đều tỏ ý bất đồng về việc điều quân nầy. Trung tướng Minh nói để căn cứ không quân làm tiền đồn là sai lầm, vì khi hữu sự dưới lằn đạn pháo thì không thể sửa chữa, trang bị cho phi cơ có khả năng hành quân như yêu cầu được. Chuẩn tướng Lưỡng cũng nói, muốn giữ Phan Rang làm bàn đạp để lấy lại Cam Ranh và Nha Trang, tại sao lại rút đơn vị đang chiến đấu tốt mà thay bằng 2 đơn vị đã từng vội vã rút quân và còn đang chờ đợi bổ sung quân số. Trung tướng Nghi cũng bất ngờ vì không có được những đơn vị như đã hứa trước lúc ra nhận trách nhiệm phòng thủ Phan Rang.
III. TRẬN CHIẾN QUYẾT ĐỊNH
Ngày 13.4.1975 là ngày đánh dấu nhiều việc không may xảy đến cho tuyến phòng thủ Phan Rang. Trong ngày, liên tục toán kiểm thính Phòng 7 TTM báo cáo có sự hoạt động bất thường của các đơn vị Sư đoàn 325 và Sư đoàn 3 Bắc Việt. Tướng Times của Tòa Đại sứ Mỹ hấp tấp bay đến, dẫn theo Ông Lewis, chuyên viên truyền tin, để chuyển về Tòa Đại sứ mọi biến chuyển mới nhứt của mặt trận. Ông Lewis ở lại, rất tích cực làm việc và rất bình tĩnh lúc địch dồn dập tấn công.
Sau mấy ngày ém quân, địch bắt đầu chuyển quân từ khu ém quân và khởi sự pháo kích văo căn cứ không quân. Các đơn vị địch đang tìm cách tấn công các điểm cao ở vùng đồ Du Long và phía Đông Ba Râu. Đơn vị địch 968 cũng bắt đầu xâm nhập lẻ tẻ từ phía Tây của căn cứ không quân, phối họp với từng đợt pháo kích. Tiếc thay, trong tình thế như vậy mà cơ cấu phòng thủ phải thi hành lệnh thay quân đang chiến đấu tốt, bằng 2 đơn vị vừa mới được bổ sung sau khi bị tổn thất nhiều về trang bị và tinh thần. Trong khi bộ phận lớn của Lữ đoàn 2 Dù, gồm Tiểu đoàn 7 với các bộ phần nặng và Tiểu đoăn 5 của Lữ đoăn 3 Dù rời căn cứ, thì Đại tá Nguyễn Văn Biết, chỉ huy trưởng Liên đoàn 31 Biệt động quân và 3 tiểu đoàn 31, 36 và 52 cũng vừa từ Biên Hòa tới bằng phi cơ C-130. Quân số Liên đoàn gồm khoảng 1.000 người. Các đơn vị liền vội vã đến trám vào các địa điểm đóng quân của Tiểu đoăn 11 Dù tại Du Long và Ba Râu. Tiểu đoàn 31 trám tại Du long, Tiểu đoàn 36 trám từ Ba Râu đến Cá Đú và Tiểu đoàn 52 làm trừ bị. Đang thay quân thì chạm súng với các toán thăm dò của địch. Cùng lúc, Trung đoàn 4 của Sư đoàn 2 Bộ Binh, quân số khoảng 450 người, từ Bình Tuy theo đường bộ cũng vừa tới, và được giao trách nhiệm trấn giữ mặt Tây căn cứ và bảo vệ phi trường thay cho Tiểu đoàn 5 Dù vừa rời căn cứ.
Theo khuyến cáo của Bộ Tư lệnh Không quân, Đại tá Nguyễn Đình Giao, Tham mưu trưởng Sư đoàn 6 Không quân được nhiệm vụ cùng các chuyên viên về Tân Sơn Nhất để phụ lo việc quân số và tiếp liệu cho Sư đoàn.
Ngày 14.4.1975, Chuẩn tướng Trần Văn Nhựt, Tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ binh, cùng Trung đoàn 5 vừa đến với khoảng 450 quân, được giao nhiệm vụ bảo vệ mặt Nam căn cứ và phi trường vì Lữ đoàn 2 Dù đã hết nhiệm vụ và đã bàn giao với Trung đoàn 4 hôm qua. Lực lượng Pháo binh chỉ có 1 Pháo đội 105 ly hiện diện tăng phái cho Tiểu khu trong đó có một Trung đội đóng tại An Phước, phía Nam phi trường lối 10 km. Thị xã được phòng vệ bởi khoảng 1 tiểu đoàn Địa phương quân còn lại. Cùng lúc, Chuẩn tướng Trần Văn Nhựt, theo lệnh, đề cử Đại tá Trương Đăng Liêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4 giữ chức vụ tỉnh trưởng thay Đại tá Trần Văn Tự. Cũng để dự phòng cho những ngày tác chiến sắp tới, Bộ Tư lệnh Không quân cũng vừa gởi đến, một phi cơ C-47 để tăng cường phương tiện hành quân cho Bộ Tư lệnh Hành quân.
Bên ngoài căn cứ, từ sáng sớm, địch lần lượt tung vài đơn vị cấp Đại đội từ khu ém quân, đánh thăm dò cơ cấu phòng thủ tại Du Long và Ba Râu. Một trong các đơn vị nầy đã xâm nhập được vào cổng số 2 phi trường về phía Bắc, lúc mờ sáng. Phi cơ trực thăng tuần tiểu phát hiện, và cùng với trực thăng võ trang, yểm trợ cho một bộ phận của Tiểu đoàn 11 Dù đang chờ phi cơ về hậu tuyến, được gởi ra tiêu diệt toán xâm nhập nầy. Kết quả địch rút chạy, bỏ lại gần 100 tên bị hạ với khoảng 80 vũ khí đủ loại, trong đó có 2 súng cối 82 ly và 2 khẩu đại bác không giựt 75 ly. Ta chỉ có 6 chiến sĩ hy sinh và 1 thiết vận xa phòng thủ phi trường bị cháy. Trung tướng Nghi tưởng thưởng ngay huy chương Anh dũng bội tinh cho các quân nhân hữu công. Khoảng trưa, Tướng Nghi và tôi cùng Đại tá Lương chạy xe thong thả từ phi trường đến Ba Tháp, Ba Râu và Du Long thị sát công việc phòng thủ. Tại Du Long Tướng Nghi có tập họp và trấn an số Nghĩa quân có mặt tại đây.
Tóm lại, mặc dầu hôm nay có các cuộc đánh thăm dò của địch, mặt trận vẫn đứng vững như những ngày qua. . Ngày 15.4.1975 từ sáng sớm địch liên tục pháo từng chập văo căn cứ. Buổi chiều khoảng 2 giờ, có phái đoàn của Trung tướng Trần Văn Đôn Tổng trưởng Quốc phòng và Trung tướng Nguyễn Văn Toàn Tư lệnh Quân đoàn 3 đến thị sát mặt trận. Sau khi thăm thị xã, nghe Tướng Nghi thuyết trình tình hình và ghi nhận các đề nghị, Trung tướng Tổng trưởng Quốc phòng tỏ vẻ chú trọng đến việc phòng thủ Phan Rang và hứa sẽ tìm mọi cách bổ sung đầy đủ mọi trang thiết bị thiếu hụt. Từ chiều trở đi, Trung tướng Nghi liên tiếp nhận được tin địch sẽ tập trung tấn công đêm nay. Một trong những công điện của Bộ chỉ huy địch với danh hiệu Sông Hồng, đóng tại Ba Râu, cho hay địch sẽ tấn công vào Phan Rang lúc 5 giờ sáng. Tiến quân theo đường rầy xe lửa cùng với 300 chiến xa, theo quốc lộ 1 phát xuất từ rừng dừa ở Ba Ngòi. Biết ý định của địch, Trung tướng Nghi báo động ngay mọi nơi đề phòng, đặc biệt là Liên đoàn 31 Biệt động quân có nhiệm vụ án ngữ ở Du Long.
Quả nhiên, sau 8 giờ tối địch gia tăng cường độ pháo vào phi trường, đồng thời cho di chuyển suốt đêm rất nhiều đoàn xe chở bộ binh, thiết giáp, pháo binh v.v… Chúng vượt đồi Du Long, chủ yếu chỉ để tràn qua phòng tuyến phòng thủ của Tiểu đoàn 31 Biệt động quân mà tiến nhanh về hướng Nam. Tiểu đoàn 31 đã ở tại chỗ chiến đấu gan dạ mặc dầu đoàn xe địch vượt được qua. Tại Ba Râu, Ba Tháp và Cá Đú, từ địa điểm đóng quân chờ di chuyển về hậu cứ, từ 2 giờ sáng trở đi, Tiểu đoàn 11 Dù trừ và Tiểu đoàn 3 Dù, cùng với Tiểu đoàn 36 Biệt động quân vừa trám chỗ, chạm địch ác liệt, làm chậm sức tấn công ồ ạt của đoàn cơ giới địch. Liên tục bị oanh kích, chúng tẻ xuống đường, tắt đèn và lại tiến tới. Phi cơ A-37 không ngớt tung xuống đợt oanh tạc ngăn chăn, nhưng vì không đủ phương tiện soi sáng và hỏa long, nên chúng vẫn tràn qua, sau khi bị tổn thất khá nặng nề. Bên ta có 4 A-37 bị bắn bể bình xăng phải về đáp. Trận nầy Không đoàn 92/Chiến thuật đã tung toàn lực phi cơ cơ hữu kể cả 4 A-1 của Phi đoàn 530 . Tôi cùng Trung tá Lưu Đức Thanh Phụ tá Hành quân Sư đoàn 6 KQ đích thân theo dõi trận đánh suốt đêm. Chúng tôi liên tục đốc thúc phần tham gia của không quân, kể từ lúc các đơn vị bộ binh chạm súng, liên tục báo cáo địch đang sử dụng hàng đoàn xe để đến sáng chạy từ Du Long tràn xuống. Cuối cùng, đoàn xe tắt đèn vượt qua Ba Râu, và chiếm thị xã lúc 7 giờ sáng ngày 16.4.1975.
Tại Bộ chỉ huy tiền phương, Trung tướng Nghi cũng theo dõi trận chiến suốt đêm và không nhận được tin gì từ Du Long của Liên đoàn 31 Biệt động quân sau 3 giờ sáng. (Sau nầy, Thiếu tá Đào Kim Minh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 36 Biệt động quân và Thiếu tá Nguyễn Văn Tú Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 31 Biệt động quân có nhiệm vụ trấn giữ Ba Râu và Du Long cho biết không hiểu vì lý do gì mà từ 2 giờ sáng không liên lạc được với Bộ chỉ huy. Sở dĩ cần liên lạc khẩn cấp là vì đã 3 ngày, từ lúc thay quân, cứ liên miên đụng địch nên cấp số đạn dược mang theo đã gần cạn. Đến sáng, khu vực trách nhiệm vẫn yên tịnh như sau những lần chạm súng. Trên đường vẫn an toàn nhưng nhìn vào phi trường thấy đang bị pháo kích.)
Ngày 16.4.1975, lúc vừa sáng, địch lại lẻ tẻ xâm nhập vào cổng số 2 của phi trường về hướng Bắc và kho bom ở hướng Tây. Đến khi phòng không chúng, bắn trúng chiếc phi cơ quan sát O-1 vừa cất cánh quan sát hành quân, phải trở lại đâp khẩn cấp, thì đồng thời chúng gia tăng số lượng pháo kích. Lúc bấy giờ mới khoảng gần 8 giờ sáng. Đại tá Biết bỗng báo cáo là Du long bị mất và địch đã vào thị xã khiến cho Trung tướng Nghi phải tìm phương thế thích nghi. Cùng lúc, Chuẩn tướng Nhựt vừa đặt văn phòng cạnh Văn phòng Trung tướng Nghi, liền được mời tham gia vào việc duyệt xét tình hình. Sau đó Ông đi thị sát mặt trận tại nơi trách nhiệm của đơn vị mình .
Trong khi Trung đoàn 4 Bộ Binh đang án ngữ bên ngoài phía Tây của phi trường và Trung đoàn 5 đang phòng ngự địch tràn lên từ thị xã, thì bên trong căn cứ tình hình bắt đầu có chiều hướng bất lợi. Địch vẫn giữ mức độ pháo kích quấy rối từng chập. Nhân có các khoảng trống giữa những đợt pháo kích, một số lớn phi cơ đã rời căn cứ. Còn lại chỉ có một số rất ít trực thăng võ trang và tản thương ở lại đến phút chót.
**Khoảng hơn 9 giơ sáng, khi trực thăng võ trang bị hỏa tiển SA7 bắn tại ngọn đồi gần phi trường thì tình hình đã khá nguy ngập. Trung đoàn 4 báo cáo đang chạm địch. Toán Dù bảo vệ Bộ Tư lệnh Tiền phương đang thanh toán các toán VC lẻ tẻ chạy lạng quạng gần khu vực Bộ Tư lệnh Tiền phương. Đến lúc nầy, Trung tướng Nghi vẫn tin tưởng vào khả năng chiến đấu của Trung đoàn 4 bảo vệ phi trường và Trung đoàn 5 án ngữ ngăn chận địch tràn vào cổng số 1 của căn cứ.
**Đến khoảng gần 10 giờ, khi tiếng súng càng lúc càng dồn dập, Tướng Nghi liền họp cùng Chuẩn tướng Nhựt, Đại tá Lương và tôi để tái duyệt xét tình hình. Vì lẽ mặt trận đã bị thủng từ Du Long và địch đang hăm dọa căn cứ nên Trung tướng Nghi dự tính có thể sẽ dời Bộ Tư lệnh Tiền phương về Cà Ná để lập tuyến phòng thủ mới tại đó, nếu địch chọc thủng được phòng tuyến bảo vệ phi trường. Dự trù sẽ đi khỏi phi trường từ cổng số 1 và đi cùng Trung đoàn 5.
**Khoảng 10,30 giờ sáng, mãi đến khi các toán quân địch sắp tiến vào Bộ Tư lệnh Tiền phương thì Trung tướng Nghi mới ra lịnh rời căn cứ bằng đường bộ, từng đơn vị theo đơn vị trưởng mình rút theo hướng Nam về Cá Ná để lập phòng tuyến mới. Trung tướng Nghi, Đại tá Lương, Ông Lewis chuyên viên Tòa Đại sứ Mỹ cùng các quân nhân của Bộ Tư lệnh Tiền phương, Sư đoàn 6 Không quân, Lữ đoàn 2 Dù cùng các toán quân lẻ tẻ của Liên đoàn 3I Biệt động quân lối 400 người rời căn cứ tiến ra cổng số 1 về hướng Nam.
Đoàn quân di chuyển trật tự đến cổng số 1 khoảng 11 giờ, để cùng đi với Trung đoàn 5 về Cà Ná như dự định. Tại đây, vì không liên lạc được với Chuẩn tướng Nhựt, nên Trung tướng Nghi quyết định theo đường rào phía Nam, di chuyển dọc theo đường từ Tour Cham đến ngã ba An Phước. Đoàn quân an toàn đến Thôn Mỹ Đức lúc 12 giờ trưa. Trên đường rút khỏi Ba Tháp, Tiểu đoàn 3 Dù lần xuống bãi biển, tẻ sâu về hướng Nam và không còn
thấy Giang đoàn 27, chiến hạm WHEC cùng bất cứ chiếc tàu nào khác tại cảng Ninh Chữ. Đến một bãi cát xa hơn về hướng Nam của thị xã, đơn vị Dù nầy, gặp và kháng cự với một toán quân địch khác đến bao vây. Sau khi thoát vòng vây với ít nhiều tổn thất, Tiểu đoàn 3 Dù được một đoàn trực thăng, bốc về an toàn. (Đoàn trực thăng cấp cứu nầy, dự trù đón Bộ tư lệnh tiền phương, nhưng vì Trung tướng Nghi không thuận cho đáp vì lý do an toàn bãi đáp, nên trên đường trở về, mới bốc được toán Dù trên.). Tiểu đoàn 11 Dù còn lại rút được qua sông, phối hợp với toán quân vừa thoát khỏi trận phục kích ở Thôn Phú Qúy về được an toàn. Liên đoàn 31 Biệt động quân và Sư đoàn 2 Bộ binh với một ít đơn vị cố gắng di chuyển về Nam lại chịu thêm tổn thất trên đường rút lui. Đại tá Lê Thương, Chỉ huy trưởng Pháo binh Sư đoàn 2 Bộ binh, trên đường rút về An Phước nơi có Trung đội Pháo binh đang trú đóng, cũng gặp địch đã đóng làm nút chận tại đây rồi .
Tại phi trường, khi đoàn quân của Trung tướng Nghi di chuyển khá xa, thì Sư đoàn 325 VC phối họp với Sư đoàn 3 VC cùng Đoàn 968 tấn công và chiếm phi trường lúc 11,30 giờ trưa. Thiệt hại của Sư đoàn 6 không quân rất đáng kể vì mất toàn bộ kho bom đạn và các trang thiết bị phụ thuộc, với lối 10 phi cơ đủ loại không bay được. Tuy nhiên tổn thất hành quân tương đối là nhẹ: 1 A-37 rớt, 4 A-37 bị bắn về đáp an toàn, 2 trực thăng cháy, 1 phi cơ quan sát cùng khá nhiều trực thăng bị bắn nhưng về đáp được an toàn.
Hải quân ta chỉ có một số ít Giang thuyền bị chìm và một chiến hạm bị pháo.
Tại Thôn Mỹ Đức lúc khoảng 4 giờ chiều, Trung tướng Nghi được toán truyền tin của Đại tá Lương cho hay có 1 đoàn phi cơ xin xác nhận vị trí để xuống bốc. Lúc bấy giờ, với số gần 700 quân nhân và thân nhân nên khó bóc hết được, vả lại khi trực thăng đến, khó lòng mà giữ được trật tự, chắc chắn sẽ tạo hỗn loạn làm lộ mục tiêu giúp địch đến vây bắt. Vì vậy Trung tướng Nghi quyết định vì sự an toàn cho đồng đội, từng khổ cực chiến đấu với nhau mà không vì an toàn cho bản thân, nên ra lịnh toán cứu cấp đó không nên đáp, và chỉ nên đến ngày hôm sau, tại một địa điểm xa hơn về phía Nam.
Lúc 9 giờ tối, dưới sự hướng dẫn của Đại tá Lương, đoàn người bắt đầu rời Thôn Mỹ Đức. Chưa đi được bao xa thì bị phục kích. Trung tướng Nghi, Ông Lewis và tôi cùng một số quân nhân bị địch bắt. Chúng dẫn 3 chúng tôi ngược về Nha Trang sáng hôm sau. Trên đường tôi thấy rất nhiều xe địch nằm la liệt dọc hai bên đường, và từng nhóm đồng bào ngơ ngác, thất thiểu, lang thang đi ngược trở về. Tôi bỗng cảm nhận rất có tội đối với đồng bào, vì làm tướng mà không giữ được thành. Ở tại Đồn điền Yersin 2 ngày, chúng đưa chúng tôi ra Đà Nẵng bằng đường bộ. Tại đây, ngày 22/4/1975 chúng đem phi cơ chở chúng tôi ra Bắc, giam tại nhà giam Sơn Tây nơi từng giam giữ tù binh Mỹ. Chúng thả Ông Lewis vào tháng 8.1975, Trung tướng Nghi vào năm 1988 và tôi năm 1992.
IV. KẾT LUẬN
Sư đoàn 6 Không quân rời Pleiku ngày 16/3/1975 đến tạm trú tại Nha Trang. Ngày 22.3.1975 được lịnh đến căn cứ Phan Rang đồn trú. Chưa kịp thích nghi với sanh hoạt địa phương thì phải đương đầu với nhiều nỗi ưu lự kể từ lúc Nha Trang rút bỏ. Liên tiếp trong 16 ngày, toàn thể quân nhân Sư doăn 6 Không quân đã khắc phục bao khó khăn, trong một hoàn cảnh khác thường của một căn cứ Không quân bỗng trở thành một tiền đồn, vừa thi hành các phi vụ, vừa tham gia chiến đấu như bộ binh.
**Địa phương quân và Nghĩa quân Phan Rang có những đơn vị hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đáng khen, như việc bảo vệ Giáo sứ Hồ Diêm được an toàn là một thí dụ.
**Sư đoàn 2 Bộ binh với 2 Trung đoàn 4 và 5, tuy có một số lớn quân nhân hãy còn hoang mang, dao động vì lo lắng cho thân nhân còn kẹt lại khi đơn vị vội vã rút lui, nhưng cũng đã cố gắng tham dự.
**Liên đoàn 31 Biệt động quân với 3 Tiểu đoàn 31, 36 và 52, chứng minh được tinh thần của người chiến sĩ mũ nâu, mặc dầu sau những trận đánh ác liệt tại Chơn Thành được điều động thẳng ra Phan Rang, không có một ngày nghỉ dưỡng quân, cũng như không được bổ sung quân số, tái trang bị đầy đủ.
**Lữ đoàn 2 Dù với các Tiểu đoàn 3, 7 và 11 cùng Tiểu đoàn 5 của Lữ đoàn 3 Dù đã chiến đấu rất tích cực và tạo được sự tin tưởng của nhiều người, quả xứng đáng là những đơn vị thiện chiến của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Với những đơn vị như trên cộng thêm Phan Rang có vị trí rất thuận lợi cho việc phòng thủ, đáng lý Phan Rang không thể bị chiếm quá nhanh như thế được. Chiếm được Phan Rang, địch mới có lý do tung ra kế hoạch Tổng công kích, mà đáng lý ra theo dự trù, chúng chỉ có thể tung ra vào năm 1976 thay vì năm 1975. Tướng VC Văn Tiến Dũng, sau chiến thắng, đê tuyên bố tại Cuba: " Khi chiếm được Phan Rang thì coi như chiếm được miền Nam." Lời tuyên bố nầy chứng minh được việc chọn phòng tuyến Phan Rang là một quyết định đứng đắn của Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Việc mất Phan Rang quả đúng là một tổn thất quá lớn cho công cuộc bảo vệ Miền Nam vậy.
Đã hơn 25 năm, chắc chắn tôi không thể còn nhớ đầy đủ các diễn biến liên quan đến việc phòng thủ Phan Rang. Tôi đã tham khảo một vài tài liệu và tiếp xúc một vài thân hữu. Cộng với ký ức, tôi đã cố gắng ghi lại trong bài viết nầy mọi hiểu biết có thể có và đương nhiên chắc phải có nhiều thiếu sót.
Viết xong ngày 15 tháng 1 năm 2002
Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang
Tư Lệnh Sư Đoàn 6 Không Quân