Huy Phương
– Tháng Ba đã qua, Tháng Tư đã đến, liệu chúng ta có còn nhớ gì không?
Những hàng dương tên bờ biển Thuận An và Tư Hiền đã xanh mướt qua mấy
mùa mưa gió, rừng núi cao nguyên trên đường lộ 7B đã đâm lộc nẩy chồi
bao bận.
Cuộc chiến cũng như người chết đã bị quên
lãng. Những ai đã trải qua thời gian tù đày khắc nghiệt còn nhớ gì
những ngày lội suối băng rừng, thân còm, bụng lép. Những ai đã đến được
bến bờ qua những ngày lênh đênh trên biển cả, còn nhớ gì những nỗi hãi
hùng, đau đớn tủi nhục mà tiếng kêu gào oan khiên không đến được trời
xanh.
“Tháng Ba Gãy Súng” làm cho chúng ta có
một chút gì nhớ đến Cao Xuân Huy, người lính Thủy Quân Lục Chiến đã vứt
súng trên biển Thuận An, trong đoàn quân lui binh hỗn loạn, không được
yểm trợ phi pháo, trước mặt là biển cả muôn trùng, sau lưng là giặc đuổi
cận kề, mà không hề có tàu thuyền nào vào ghé bến. Những người lính
dũng cảm mới hôm qua đây, phút chốc đã trở thành những mục tiêu cho
những du kích bắn sẻ và những tên tiền sát viên địch điều chỉnh pháo
binh, điều mà một người lính TQLC khác là Tô Văn Cấp đã đau đớn đặt tên
cho chốn lui quân, nơi tuyệt lộ này là “pháp trường cát”, nơi chiến
trường phơi thây bao chiến sĩ của chúng ta.
Tháng Ba gãy súng làm cho chúng ta nhớ
lại đoạn đường xương máu kinh hoàng từ Phú Bổn về duyên hải trong những
ngày bỏ cao nguyên, làm tan rã một quân đoàn. Một cuộc rút quân không kế
hoạch, không có cấp chỉ huy, không có quân bạn yểm trợ, đem con bỏ chợ,
hỗn loạn và chết chóc khốn cùng. Người lính lâu nay ở với xóm làng,
rừng núi, khuya sớm đùm bọc nhau, ngày nay một người lính lên xe ra đi,
năm người dân bồng bế dắt díu nhau chạy theo. Nỗi đau của người lính hôm
nay là không bảo vệ được người dân, vì vận nước, ngay người lính có
súng mà phải vứt súng, có đất mà phải bỏ đất.
Tháng Tư tan hàng, người lính bị trói
tay, người lính bị phản bội, người lính ở lại sau cùng để cho những
chuyến tàu chở người ra đi, để cho những chuyến phi cơ rời phi đạo đi về
một chân trời hy vọng tự do, bỏ lại quê hương tù đày. Bao nhiêu thảm
cảnh đã xảy ra cho miền Nam sau ngày “tan hàng” hay “mất nước”, danh từ
sử dụng tùy theo sự suy nghĩ, nỗi mất mát và tâm trạng của mỗi người.
Cướp của tức khắc đi theo với hành động
cướp quyền. Lấy danh nghĩa cải tạo xã hội, chiến dịch đánh tư sản mại
bản thực chất là một vụ cướp bóc quy mô, đánh vào những gia đình giàu có
mang tiếng tư bản, nhưng chính là do công lao mồ hôi, nước mắt, cần cù
mà miền Nam có được. Chiến lợi phẩm này được chở về hang ổ miền Bắc, làm
giàu cho những kẻ cầm quyền.
Ðánh tư sản, dồn dân đi kinh tế mới, lấy
nhà, cướp đất, đổi tiền, tập trung những người có liên hệ với chính phủ
miền Nam vào trại “cải tạo”, đốt sách, bỏ tù văn nghệ sĩ, đuổi 850,000
Hoa kiều về nước hay ra biển để gần lại với Liên Xô, xếp hạng dân theo
lý lịch chính trị, kiểm soát đời sống và tư tưởng của quần chúng theo
chế độ công an trị, với mô hình “công an khu vực”, “công an khu phố” là
những gì chế độ Cộng Sản Việt Nam đem lại cho dân chúng miền Nam. Cả
nước là phiên bản của miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa, vùng mệnh danh “giải
phóng” là một nhà tù lớn, buổi sáng có tiếng loa phóng thanh thức giấc
mọi người đầu xóm, tai mắt công an khắp nơi, dân chúng phải tham gia lao
động xã hội chủ nghĩa, thắt chặt bao tử, nắm sinh tử của mỗi gia đình
bằng chế độ tem phiếu.
“Chính đảng Cộng Sản đã tước đoạt của
nhân dân các quyền tự do mà nhân dân đã từng trả giá quá đắt. Dân chủ tự
do bị chà đạp, vũ khí tự vệ bị tước đoạt thì nhân dân giống như những
người bị xiềng xích, bị bịt tai, bịt mắt, khép miệng và tất nhiên ngót
80 triệu đồng bào không thể không biến thành tù binh của đảng Cộng Sản
Việt Nam” (bản điều trần của Nguyễn Hộ).
Nhân dân miền Nam, kể cả những nhân vật
có ảo tưởng với Cộng Sản đã hoàn toàn thất vọng với chính sách chủ
trương của nhà nước mới, thể hiện một chế độ độc tài toàn trị, băng
đảng. Chế độ này đã đuổi hằng triệu người ra biển, suốt từ những ngày
đầu tháng 5 năm 1975 cho đến thời gian các trại tiếp nhận ở Ðông Nam Á
đóng cửa, kể cả tổ chức “bán chính thức” đưa người ra khơi để kinh tài.
Không một gia đình miền Nam nào không có thân nhân, bà con ruột thịt bỏ
xác trên biển Ðông, mà oan khiên dậy đất trời. Khi người dân chán chế độ
không còn có thể ra đi bằng con đường “bất hợp pháp” thì người ta bỏ
nước ra đi bằng những con đường hợp pháp được nhà nước chấp thuận và
khuyến khích như phụ nữ thì đi lấy chồng Ðài Loan, Ðại Hàn, Trung Cộng;
đi ở đợ ở Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ; đàn ông thì đi làm thuê ở Trung Ðông, Nam
Dương, Singapore… Chúng ta giải thích thế nào về một mảnh đất quê hương
không giữ được chân người.
Tháng Tư miền Nam tan hàng phải chăng để
cho Cộng Sản thống nhất đất nước và làm một cuộc cách mạng? Cách mạng là
một cuộc đập phá cái cũ để xây dựng cái mới, hoàn hảo, tốt đẹp hơn,
cách mạng không phải là để phá cái tốt đi và làm cho xã hội tồi tệ hơn.
Ðạo đức suy đồi, nhân tâm ly tán, nhân phẩm phụ nữ trong xã hội Việt Nam
ngày nay xuống thấp chưa từng thấy. Chế độ công an trị, dùng công an
như là một dụng cụ bạo lực để trấn áp nhân dân. Sự tàn ác của lực lượng
này được thể hiện qua những chuyện xẩy ra hằng ngày ngay giữa thời đại
văn minh tiến bộ này. Chỉ vì những lỗi nhỏ, không đáng nhận một món tiền
phạt đáng giá một bữa cơm, công an côn đồ có thể đánh bể đầu, gãy cổ,
giết chết người vi phạm, tàn nhẫn đạp vào mặt dân, tệ hại hơn hành động
của thời Pháp thuộc, qua hình ảnh những người lính đánh thuê Phi Châu
“rạch mặt” hay lính “partisan” ngày trước.
Nhiều người đã nhìn bức tranh xã hội Việt
Nam dưới thời Cộng Sản ngày nay qua cái nhìn “tốt đẹp”, trong đó ai
cũng thỏa mãn theo cách riêng của mình, giàu sang thì hưởng thụ theo
cách giàu sang, nghèo hèn thì cũng ăn nhậu, tiêu xài theo cách riêng của
mình. Sư, Cố thỏa mãn trong khuôn viên chùa hay nhà thờ của mình, tôn
giáo thời nay quả là thuốc phiện không sai. Thanh niên, sinh viên lo
chạy theo cái ăn cái mặc, vật chất xói mòn lý tưởng . Nỗi sợ hãi bao
nhiêu năm qua đã nhiễm vào máu huyết, xin đừng đụng đến tôi, tôi cũng
không muốn đụng đến ai. Ðừng nghe, đừng nói, đừng nhìn để sống còn, muốn
sống phải biết sợ.
Tôi thật không đủ lạc quan để hy vọng,
khi mà trước bất công, đàn áp, con người ta chỉ biết cúi đầu… cầu
nguyện, không dám hợp đồng mà chỉ lâm râm cầu nguyện vừa đủ cho mình
nghe.
Ðó là những gì tôi nghĩ về những di lụy của một Tháng Ba gãy súng, tiếp theo một Tháng Tư tan hàng và về đất nước hôm nay.
Huy Phương
No comments:
Post a Comment